Tuy nhiên, tại Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 977 ngày 16/9/2019, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà xác định: Theo bản đồ lâm nghiệp xã Hương Hồ lập năm 2008 thì thửa đất đang khiếu nại thuộc thửa đất số 33 tờ bản đồ số 01, diện tích 190.553m2, xã Hương Hồ (nay là phường Hương Hồ), thị xã Hương Trà.

Theo bản đồ lâm nghiệp xã Hương Hồ năm 2011, được Sở Tài nguyên và môi trường phê duyệt, thì thửa đất đang khiếu nại lại thuộc thửa số 35, tờ bản đồ số 01, diện tích 190.553m2, tiểu khu 112.

Năm 1994, các ông Lê Tự Triết, Lê Tự Thành (con trai ông Triết) và Phạm Đình Thưởng (con rể ông Triết) có đơn xin nhận đất trồng rừng theo dự án 4304 với diện tích từ 15ha từ Khe Sũng Sen đến chân Hòn Vượn vòng quanh khe Cầu, giáp khu vực Hạt Kiểm lâm để trồng cây, được UBND xã Hương Hồ xác nhận ngày 8/8/1994 với nội dung “Kính chuyển các cấp có thẩm quyền giao đất giải quyết”.

Ngày 25/12/1994, Hạt Kiểm lâm Phòng quản lý ruộng đất huyện Hương Trà, UBND xã Hương Hồ, Hợp tác xã Hương Hồ tiến hành lập Biên bản giao đất và rừng để quản lý, bảo vệ và sử dụng vào mục đích lâm nghiệp cho ông Lê Tự Triết với diện tích 06 ha, lô 1+2, khoảnh 2, tiểu khu 951 (tức là tiểu khu 112) kèm theo trích sao bản đồ giải thửa lô đất lâm nghiệp.

Tại Biên bản này đã ghi nhận “Thi hành Quyết định số 176-QĐ-UB về việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình cá nhân sử dụng vào mục đích lâm nghiệp”.

Ngày 16/5/2010, ông Lê Tự Triết có đơn xin cấp GCNQSDĐ đối với thửa số 33, tờ bản đồ số 1, diện tích 190.553m2.

Hội đồng đăng ký đất đai xã Hương Hồ đã tổ chức xét duyệt đơn xin cấp GCNQDSĐ của ông Triết và xác nhận với nội dung: sử dụng từ 1994-1995, có thu hồi 28.867m2 do dự án Tây Nam Hương Trà. Đồng thời đề nghị UBND thị xã Hương Trà cấp GCNQSDĐ cho ông Triết với diện tích 161.686m2, nguồn gốc sử dụng do UBND xã Hương Hồ đề nghị giao 06 ha và tự khai hoang trồng rừng; không tranh chấp, phù hợp với qui hoạch.

Sau khi rà soát hồ sơ, nhận thấy ông Triết không phải là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ theo nguồn gốc mà phải thực hiện theo hình thức cho thuê đất nên các cơ quan chức năng huyện Hương Trà đã hướng dẫn ông Triết lập hồ sơ xin thuê đất.

Theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, ngày 20/6/2011, ông Lê Tự Triết có đơn xin thuê diện tích 188.064m2 đất tại thôn Chầm xã Hương Hồ để trồng rừng và chăn nuôi, trong đó có thửa đất đang khiếu nại.

Kiểm tra diện tích đất xin thuê không đúng với thực tế hiện trạng, năm 2012, cơ quan chức năng lại một lần nữa hướng dẫn ông Triết viết đơn, xin thuê 176.122m2, trong đó có thửa đất số 35 đang bị khiếu nại.

Ngày 24/5/2013, UBND thị xã Hương Trà có Quyết định số 179/QĐ - UB về việc cho hộ ông Lê Tự Triết thuê 176.122m2 tại thôn Chầm, phường Hương Hồ để sử dụng vào mục đích trồng rừng sản xuất, trong đó có thửa đất số 35.

Và đến ngày 9/1/2014, ông Lê Tự Triết được UBND thị xã Hương Trà cấp GCNQSDĐ đối với thửa 35, khoảnh 2, tờ bản đồ số 01, diện tích 149.744m2, mục đích trồng rừng sản xuất, thời hạn sử dụng 50 năm.

Tiếp đó, ngày 16/7/2015, ông Lê Tự Triết có đơn xin đăng ký biến động bổ sung tài sản trên đất là rừng trồng (keo 1 năm tuổi) đối với thửa số 35, được UBND phường Hương Hồ, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thị xã Hương Trà xác nhận.

Trên cơ sở Tờ trình của Phòng Tài nguyên và môi trường thị xã Hương Trà, UBND thị xã đã cấp đổi GCNQSDĐ cho ông Triết, bổ sung quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng vào GCN.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Thanh tra về việc đề nghị cung cấp hồ sơ quản lý của địa phương từ những năm 1994 về việc sử dụng, được giao đất của ông Triết, đại diện Phòng Tài nguyên và môi trường thị xã Hương Trà cho biết, đơn vị không có.

Cũng theo đại diện Phòng Tài nguyên và môi trường thị xã Hương Trà, giấy được giao đất của ông Triết, ông Thành và ông Thưởng là do gia đình các ông cung cấp cho chính quyền.

Như vậy, tính đến thời điểm UBND thị xã Hương Trà cấp GCNQSDĐ cho ông Triết, diện tích đất đã nâng từ 06 ha lên 149.744m2, không hề có sự xuất hiện của ông Lê Tự Thành và Phạm Đình Thưởng. Hồ sơ giấy tờ xin cấp đất, xin thuê đất đều đứng tên ông Lê Tự Triết với “mục đích trồng rừng sản xuất, thời hạn sử dụng 50 năm” - lúc này ông Triết đã gần 90 tuổi. Còn người phụ nữ tảo tần bán mặt cho đất bán lưng cho rừng, đáp ứng đủ các tiêu chí “tự khai hoang trồng rừng; không tranh chấp, phù hợp với qui hoạch” là bà Phạm Thị Lộc thì hoàn toàn ở ngoài cuộc!

Bất thường hơn nữa nằm ở việc UBND thị xã Hương Trà cấp đổi GCNQSDĐ cho ông Triết vào năm 2015, công nhận tài sản trên đất (rừng keo) là tài sản của ông Lê Tự Triết.

Tìm hiểu kỹ vụ việc, chúng tôi được biết, khi phát hiện ra toàn bộ đất rừng do mình canh tác đã được UBND thị xã Hương Trà cấp GCN cho ông Lê Tự Triết, bà Phạm Thị Lộc có đơn đề nghị UBND thị xã xem xét vì phần đất cấp cho ông Triết chồng lên phần đất rừng do bà khai hoang, trồng rừng và phần đất ông Triết cho bà là 04 ha.

Để giải quyết đơn này, UBND phường Hương Hồ đã tiến hành hòa giải. Tại biên bản hòa giải ngày 30/10/2014, bà Lộc đồng ý giao lại toàn bộ phần diện tích trước đây ông Triết đã cho mình để nhận 220 triệu đồng hỗ trợ một phần tiền vốn và con trai bà là Lưu Đặng Dũng được canh tác, ăn chia sản phẩm trên đất theo 3 chu kỳ là 21 năm. Như vậy, có thể hiểu là, gia đình bà Lộc và ông Triết là đồng sở hữu tài sản trên đất sau khi ông Triết góp vốn trồng rừng (bằng đất và một phần tiền) còn bà Lộc bỏ công canh tác.

Tuy nhiên, toàn bộ vế sau của thỏa thuận về việc khai thác ăn chia sản phẩm trên đất theo chu kỳ 21 năm đã “được” các cơ quan chức năng của UBND thị xã Hương Trà tự động... bỏ qua. Để rồi, UBND thị xã Hương Trà công nhận toàn bộ tài sản trên đất thuộc về ông Lê Tự Triết.

Đây chính là căn cứ pháp lý quan trọng nhất mà con trai ông Triết là ông Lê Tự Thành đòi tài sản của mình, khởi kiện tại Tòa. Còn bà Phạm Thị Lộc thì ròng rã đội đơn đến các cơ quan chức năng để kêu cứu, khiếu nại, tố cáo...

Đây cũng là căn cứ pháp lý khiến mọi khiếu nại của bà Lộc bị đẩy vào ngõ cụt, bà Lộc thì tuyệt vọng chuyển đơn đến các cơ quan trung ương, đồng thời đơn thương độc mã gõ cửa Tòa án để khởi kiện hành chính.

Qui trình cấp sổ, cấp đổi sổ nói trên của UBND thị xã Hương Trà có đúng? Vì sao diện tích đất của ông Triết cứ “nở ra” tại các văn bản khác nhau? UBND thị xã Hương Trà căn cứ vào đâu để cấp GCNQSDĐ cho ông Triết là 149.744m2 trong khi năm 1994, cả 3 bố con ông mới được giao 6 ha?

Cần phải làm gì để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bà Lộc? Khi nào Tòa án nhân dân tỉnh cấp có thẩm quyền thụ lý đơn khởi kiện của bà Lộc?

Chúng tôi sẽ trở lại vụ việc.

Nhóm PV