Giải quyết nguyên nhân, gốc rễ phát sinh khiếu nại, tố cáo 

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân (TCD) Trung ương cho biết, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan đối với công tác TCD, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… đã được ban hành.

Do đó, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội luôn được giữ vững, tình hình khiếu kiện của công dân tại các cơ quan Trung ương không còn gay gắt như trước, số vụ việc, số lượt người và số lượt đoàn đông người năm sau giảm so với năm trước…

Tuy vậy, còn một số vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp, đặc biệt là công dân tụ tập đông người kéo đến nhà riêng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và trụ sở các cơ quan Trung ương để khiếu kiện vào những thời điểm diễn ra sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Nhiều trường hợp công dân khiếu kiện không đạt được mục đích đã có hành vi gây rối, lăng mạ, mạt sát, xúc phạm danh dự cán bộ TCD; quay phim, chụp ảnh đăng tải lên các trang mạng xã hội, một số trường hợp công dân bị ngất trước cổng Trụ sở TCD Trung ương phải đưa đi cấp cứu.

Cá biệt, có một số trường hợp, sau khi được tuyên truyền, phổ biến về nội quy, quy chế qua hệ thống loa phát thanh của Trụ sở TCD Trung ương, nhưng không hợp tác, đã kéo xuống đường nhằm thu hút sự chú ý của người đi đường, làm cản trở giao thông.

Ngoài ra, có hiện tượng tài trợ vật chất cho người khiếu kiện để lôi kéo, kích động, đồng thời hướng dẫn người khiếu kiện quay phim, chụp ảnh, viết bài đăng tải trên mạng internet để xuyên tạc, tung tin đồn thất thiệt về quá trình, kết quả giải quyết của cơ quan chức năng.

Để hạn chế tình trạng trên, các cơ quan tiếp dân tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác TCD, giải quyết KNTC đi kèm với việc tiếp, đối thoại, vận động công dân, đặc biệt là các đoàn khiếu kiện đông người trở về địa phương.

Đặc biệt, Ban TCD Trung ương chủ động tham mưu, đề xuất; tổ chức thực hiện linh hoạt, có hiệu quả nhiệm vụ thường xuyên, cũng như kiểm tra, đôn đốc, phối hợp trong công tác TCD, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC.

“Chúng tôi gọi đó là "giải pháp đích", tức là hướng vào việc giải quyết nguyên nhân, gốc rễ phát sinh KNTC kéo dài, đặc biệt là các đoàn khiếu kiện đông người, phức tạp với thái độ bức xức, gay gắt" - ông Điệp nói.

Đối thoại, gặp gỡ, trao đổi với người KN

Chủ động tham mưu, đề xuất trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác TCD, giải quyết KNTC, Ban TCD Trung ương đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để rà soát, tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP) báo cáo tình hình khiếu kiện đông người, gây mất an ninh, trật tự công cộng trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều giải pháp, trong đó có kiến nghị chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu một số địa phương còn để nhiều vụ việc KNTC đông người, kéo dài trong công tác giải quyết KNTC.

Đặc biệt, một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế công dân khiếu kiện tại các cơ quan Trung ương chính là làm tốt công tác phối hợp. “Đó là một trong những giải pháp quan trọng, căn cơ, quyết định đối với việc TCD, xử lý đơn và đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Hà Nội và tại Trụ sở TCD Trung ương" - ông Điệp nói.

Với vai trò là cơ quan quản lý Trụ sở TCD Trung ương, Ban TCD Trung ương đã điều hòa hiệu quả hoạt động TCD của các cơ quan tham gia tiếp tại trụ sở, đảm bảo mọi công dân đến đều được tiếp, hướng dẫn và giải thích tận tình theo quy định của pháp luật. Ban TCD Trung ương đã phối hợp rất tốt và có hiệu quả với Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc tiếp các đoàn khiếu kiện đông người, phức tạp. Xử lý kịp thời, chính xác những đơn thư KNTC, phản ánh, kiến nghị của công dân gửi đến trụ sở và TTCP, đặc biệt là những đơn thư liên quan đến công tác nhân sự của đại hội, bầu cử.

Tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan công an, đặc biệt là các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an quận Hà Đông, quận Bình Tân trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại Trụ sở TCD Trung ương trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trước, trong và sau các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Ngoài ra, kiến nghị thủ trưởng cơ quan hành chính và người đứng đầu cấp ủy các cấp cần nâng cao hiệu quả công tác TCD, giải quyết KNTC, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Phải tập trung giải quyết dứt điểm các yêu cầu, KN của người dân, tăng cường giải thích cho người dân hiểu chủ trương, chính sách của Nhà nước, tránh gây bức xúc cho người dân, dẫn đến công dân kéo về Trung ương khiếu kiện.

“Nâng cao chất lượng giải quyết KN hành chính, đặc biệt coi trọng đối thoại trong quá trình thẩm tra, xác minh để có kết luận, quyết định giải quyết KN khách quan, chính xác. Chủ động chỉ đạo, tổ chức phối hợp giữa cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới để thống nhất phương án giải quyết. Phát huy tối đa hiệu quả việc đối thoại, gặp gỡ, trao đổi với người KN”, ông Điệp chia sẻ.

Đồng thời, tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm việc thực hiện TCD, giải quyết KNTC ở một số địa phương có vụ việc khiếu kiện bức xúc, đông người, phức tạp, kéo dài, có thể ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân nói chung và người khiếu kiện nói riêng, tập trung vào các chính sách, pháp luật về đất đai, KNTC dưới nhiều hình thức như: Lồng ghép với công tác tuyên truyền, thông qua TCD, thông qua tư vấn pháp luật miễn phí cho người KNTC, xử lý đơn thư hoặc đối thoại để giúp người dân hiểu rõ pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế được tình trạng KNTC sai, KNTC không đúng thẩm quyền, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người KNTC.

Thái Hải