Hồ sơ “hoàn hảo” về bảo vệ môi trường!?

Nhà máy Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hoà Bình của Công ty CP Xử lý chất thải công nghiệp Hoà Bình bắt đầu hoạt động từ năm 2010, diện tích sử dụng là 148.266,8m2.

Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 1340/QĐ-BTNMT ngày 10/7/2009; bổ sung, nâng công suất nhà máy được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 928/QĐ-BTNMT ngày 28/4/2017; Giấy phép xử lý chất thải nguy hại mã số QLCTNH: 1-2-3-4-5-6.014.VX, cấp lần 4, ngày 10/4/2019; được Tổng cục Môi trường cấp Giấy xác nhận thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ngày 28/4/2010; được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang cấp Giấy phép xả thải vào nguồn nước tại Quyết định số 326/QĐ-TNMT ngày 22/6/2018...

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Dũng, công ty đã thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ hàng năm (4 lần/năm, năm 2020 đã thực hiện các tháng 3, tháng 6) theo quy định. Kết quả quan trắc định kỳ các mẫu khí, nước đều đạt quy chuẩn theo quy định: Mẫu khí thải đạt quy chuẩn 19:2009.BTNMT. Mẫu nước thải đạt quy chuẩn 40:2011/BTNMT, cột B, C max.

Trái ngược với sự “hoàn hảo” về hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, quá trình hoạt động, Nhà máy Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hoà Bình thường xuyên đem đến sự ô nhiễm môi trường tới cho người dân trên địa bàn huyện Yên Dũng, đặc biệt là sau khi được phê duyệt nâng công suất từ năm 2017.

Hiện nay, người dân trên địa bàn huyện Yên Dũng tiếp tục phản ánh việc thường xuyên hít phải khói thải có "mùi hoá chất" từ Nhà máy Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hoà Bình (Về nội dung này, chúng tôi sẽ thông tin cụ thể tới bạn đọc ở bài báo tiếp theo).

Bên cạnh đó, như Báo Thanh tra phản ánh, nhiều năm qua, tuyến mương nước tiếp giáp Nhà máy Tái chế, xử lý chất thải công nghiệp Hoà Bình chảy qua cánh đồng thôn Tân Hưng, xã Tư Mại liên tục đổi màu đen, trắng đục, nồng nặc mùi hoá chất, khiến sinh vật bị tận diệt, bức tử môi trường gây bất an trong nhân dân. Người dân địa phương cho rằng nguyên nhân là do Công ty CP Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hoà Bình đã nhiều lần xả thải trộm ra môi trường. Hiện, các cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra, làm rõ.

Gây ô nhiễm môi trường

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin thông tin về một số sự cố gây ô nhiễm môi trường do Công ty CP Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hoà Bình gây ra, đã được cơ quan chức năng kết luận rõ ràng.

Đơn cử, năm 2018, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường liên tục nhận được phản ánh của nhân dân về việc Nhà máy Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hoà Bình chủ yếu hoạt động sản xuất vào ban đêm, đốt rác gây mùi ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân.

Ngày 30/3/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra nhà máy, phát hiện tại khu vực hoạt động lò đốt rác thải công nghiệp có phát sinh mùi của rác thải do hoạt động mở lò đốt và mùi chất thải có hơi dầu từ bể ô xi hoá của hệ thống xử lý nước thải đang vận hành thử nghiệm.

Đoàn làm việc đã yêu cầu Công ty CP xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hoà Bình tiếp tục duy trì vận hành thường xuyên của các công trình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động, có biện pháp giảm thiểu triệt để mùi phát sinh tại khu vực hoạt động của lò đốt rác thải và hệ thống xử lý nước thải đang vận hành thử nghiệm, đảm bảo không ảnh hưởng để môi trường khu vực xung quanh.

Ngày 17/7/2018, tỉnh Bắc Giang có trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 4, hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang khoá XVIII. Theo đó, cử tri huyện Yên Dũng phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường từ nước thải, khí thải, rác thải của các nhà máy, trong đó có Nhà máy Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hoà Bình. Qua kiểm tra thực tế, UBND tỉnh xác nhận phản ánh của cử tri là đúng. UBND tỉnh đã có quyết định xử phạt hành chính đối với 6 đơn vị gây ô nhiễm, trong đó có Công ty CP Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp.

Trước đó, năm 2017, người dân thôn Đông Hương, xã Nham Sơn phản ánh về việc xả thải làm cháy lúa của Công ty CP Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hoà Bình. Tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, cánh đồng lúa tiếp giáp với Nhà máy Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hoà Bình, khu phía Tây bị cháy lá bất thường, lá lúa vàng cháy khô trong khi gốc lúa vẫn tươi, trên một khoảng diện tích lớn đã được UBND xã, Ban Quản lý thôn Đông Hương và Giám đốc nhà máy xác nhận là 130.905m2, tương đương 36 mẫu, 3 sào, 9 thước thuộc xử đồng Bộ Đội, Sáu Mẫu, Đồng Sòng, Ngõ Giác, Hàng Đều và Đường Lăng.

Theo báo cáo của Giám đốc nhà máy, do cán bộ của nhà máy nhầm lẫn trong quá trình pha vôi đưa vào bể xử lý nước thải nên gây ra nước bốc hơi khói mù sương làm cháy lá lúa của nhân nhân theo hướng gió.

Điều đáng nói, Công ty CP Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hoà Bình là đơn vị hoạt động chính trong lĩnh vực môi trường, có chức năng góp phần bảo vệ môi trường nhưng liên tục gây ra những sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm kiểm tra, đánh giá lại việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường khi các sự cố về môi trường liên tục xảy ra trong quá trình hoạt động của Nhà máy Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hoà Bình khiến người dân bất an, bức xúc trong thời gian qua.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Thanh Hoa