15 năm trong cảnh màn trời chiếu đất

Theo thông tin phản ánh, năm 1968, khu đất Lò Mỳ với diện tích 720m2 thuộc tiểu khu Thao Chính là cơ sở sản xuất bánh kẹo thuộc quản lý của Cửa hàng Ăn uống Hà Tây (cũ).

Năm 1979, cơ sở sản xuất bánh kẹo sáp nhập với Công ty Thương nghiệp Phú Xuyên quản lý (nay là Công ty Cổ phần Thương mại Phú Xuyên). Tuy nhiên sau khi sáp nhập, Công ty đã không kê khai đăng ký quyền sử dụng đất, cũng như không thực hiện các nghĩa vụ sử dụng phần diện tích đất này với Nhà nước.

Đến năm 2006, do tài sản trên đất có 2 dãy nhà cấp bốn bị xuống cấp, Công ty đã làm tờ trình đề nghị các cơ quan chức năng cho phép chuyển đổi mục đích sang đất ở để cấp cho CBCNV.

Ngày 29/12/2006, từ đề xuất của Công ty, UBND huyện Phú Xuyên ban hành Thông báo số 153/TB-UBND thông báo về giá thu tiền cấp đất ở tại thị trấn Phú Xuyên dựa trên Quyết định số 1879/2005/QĐ ngày 09/12/2005 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành quy định giá các loại đất trên địa bàn và biên bản làm việc của Tổ Công tác gồm các ngành: Tài chính kế hoạch, Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Thuế với UBND thị trấn Phú Xuyên và Công ty Thương nghiệp Phú Xuyên ngày 28/12/2006.

Theo đó, Công ty đã thông báo danh sách 7 CBCNV được cấp đất. UBND huyện Phú Xuyên đã gửi thông báo đến các CBCNV về việc tiến hành thu tiền đất ở tại vị trí khu Lò Mỳ thuộc tiểu khu Thao Chính trên tổng diện tích cấp đất dự kiến là 720m2 với biểu 6 giá đất ở tại thị trấn, tỉnh lộ, vị trí 2: Giá 840.500 đồng/m2. Mỗi hộ được cấp 90m2 tương đương với số tiền phải nộp là 75,6 triệu đồng.

Ngay sau khi nhận được thông báo thu tiền, 6/7 hộ CBCNV này đã nộp tiền vào kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên ngoài tiền đất, họ còn phải nộp thêm phần chi phí hỗ trợ tiểu khu Thao Chính nên tổng số tiền là 78 triệu đồng 6 hộ!

leftcenterrightdel
 Mua đất phải nộp thêm phần chi phí hỗ trợ tiểu khu Thao Chính?

Còn 1 hộ CBCNV là bà Hà Thị Phúc không đồng ý đóng tiền vì có lý do tranh chấp liên quan đến toàn bộ 720m2, nên đến nay, mặc dù đã bước sang năm thứ 15, nhưng 6 hộ dân đã đóng tiền vẫn đang trong cảnh “màn trời chiếu đất”.

Công ty gian dối, huyện thiếu trách nhiệm

Sự việc trên đã được Thanh tra TP Hà Nội tiến hành thanh tra làm rõ và báo cáo UBND TP bằng Văn bản số 3358 BC-TTTP (P2) ngày 14/12/2013.

Theo đó, diện tích 719m2 khu đất Lò Mỳ thuộc tiểu khu Thao Chính, trước năm 1979 được Cửa hàng Ăn uống Phú Xuyên xin sử dụng làm lò bánh mỳ.

Đến năm 1979, Cửa hàng ăn uống Phú Xuyên sáp nhập với Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Phú Xuyên (nay là Công ty Cổ phần Thương mại Phú Xuyên), khu đất trên được sử dụng làm nhà tập thể. Sau khi sáp nhập, Công ty không kê khai đăng ký quyền sử dụng đất, không làm các nghĩa vụ sử dụng đất với Nhà nước.

Năm 1990, sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Thường trực UBND huyện Phú Xuyên, ngày 11/6/1990, Công ty đã nhượng bán toàn bộ tài sản nhà cửa khu Lò Mỳ của Công ty giá 1,5 triệu đồng cho bà Hà Thị Phúc, đồng thời ký xác nhận đơn xin chứng nhận quyền sử dụng đất gửi UBND thị trấn Phú Xuyên xem xét cấp đất cho bà Phúc.

Ngày 30/10/1993, Công ty đã có giấy giao quyền sử dụng nhà ở tập thể cho bà Phúc, nhưng sau đó không đăng ký kê khai với cơ quan Nhà nước việc sử dụng khu đất trên.

Còn bà Phúc, từ khi được bàn giao tài sản, trong quá trình sử dụng, liên tục thực hiện đầy đủ việc nộp thuế cho toàn bộ phần diện tích 720m2 từ năm 1996 đến năm 2007.

Năm 2006, Công ty đã báo cáo sai sự thật với UBND thị trấn và UBND huyện Phú Xuyên để xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tổ chức họp bình xét giao đất cho 6 CBCNV là hành vi không trung thực, là nguyên nhân gây khiếu kiện phức tạp tại địa phương.

Ngoài ra, sau khi Công ty báo cáo để chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất trên, UBND huyện Phú Xuyên đã cho Thanh tra huyện thanh tra toàn bộ 720m2 đất, và kết luận là đất vô chủ dẫn đến việc UBND huyện Phú Xuyên kết luận khu đất Lò Mỳ là đất chuyên dùng của Công ty và chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất của khu đất Lò Mỳ từ đất chuyên dùng sang đất thổ cư là không chính xác.

leftcenterrightdel
 Khu đất Lò Mỳ 720m2 nay đã được bà Phúc chuyển nhượng. Ảnh: CB

Về việc này, sau khi có sự vào cuộc của UBND TP Hà Nội, hộ bà Phúc đã đòi được quyền lợi hợp pháp của mình. Còn 6 CBCNV đã đóng tiền bất đắc dĩ bị đẩy vào cảnh “màn trời chiếu đất”, phải gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng.

Rõ ràng, việc này là trách nhiệm của Công ty Cổ phần Thương mại Phú Xuyên và UBND huyện Phú Xuyên.

Thay vào việc khắc phục sai phạm, bố trí giao đất ở theo quy định pháp luật cho 6 hộ CBCNV vào quỹ đất khác của huyện, 15 năm đã qua, người dân vẫn mỏi mòn chờ được cấp đất. Có người không đợi được, đã mất… còn Công ty Cổ phần Thương mại Phú Xuyên cùng các cơ quan, phòng, ban chức năng có thẩm quyền, cụ thể là UBND huyện Phú Xuyên thì vẫn chưa có hướng giải quyết cho quyền lợi hợp pháp của dân, để họ ròng rã đem đơn đi kêu cứu khắp nơi.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin diễn biến mới của sự việc.

Chính Bình