Chủ tọa không tuân thủ chương trình, quy chế đại hội

Ông Phạm Quang Anh, cổ đông của Vinasport, cho rằng, điều lệ công ty là tập hợp các quy định có giá trị pháp lý cao, quy chế tổ chức đại hội có nội dung vi phạm điều lệ, cản trở quyền của cổ đông phổ thông, nội dung này đã được chỉ ra rõ ràng trong buổi họp.

Thay vì xin ý kiến, sửa đổi quy chế cho phù hợp với điều lệ và Luật Doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, thì chủ tọa đại hội lại yêu cầu đại hội biểu quyết thông qua quy chế với nhiều những nội dung trái điều lệ, xâm phạm quyền của cổ đông phổ thông, sau đó lại tiếp tục không tuân thủ chính quy chế tổ chức đã được thông qua này.

Điều 4 của quy chế tổ chức đại hội quy định: “Điều 4.1. Ban kiểm tra tư cách cổ đông gồm 2 (hai) thành viên do chủ tọa chỉ định”; Điều 5 quy chế này ghi: “Chủ tọa cử ban thư ký đại hội gồm 2 người”.

Trong khi đó, khoản 21.13, Điều 21, Điều lệ của Vinasport quy định:“… Những người tham gia họp cử một thư ký ghi biên bản họp. Thư ký có quyền kiểm tra hoặc yêu cầu ban kiểm soát xem xét tư cách dự đại hội cổ đông của những người tham gia”.

Việc chủ tọa (ban chủ tọa) tự ý chỉ định 2 người không phải là nhân viên của Vinasport, không phải thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), ban kiểm soát, hay bất cứ đơn vị/phòng/ban nào thuộc Vinasport, không có thông tin địa chỉ, định danh cá nhân… làm ban kiểm tra tư cách cổ đông, là trái với quy định của điều lệ công ty và không đảm bảo tính khách quan, trung thực trong công tác kiểm tra tư cách dự họp của cổ đông - ông Phạm Quang Anh phản ánh.

Trong biên bản cuộc họp đại hội gửi các cổ đông, không có thông tin về ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sổ cổ đông, phụ lục danh sách đăng ký cổ đông, đại diện cổ đông dự họp. Trong khi đó, Điều 24 điều lệ công ty và điểm e, khoản 1, Điều 150 Luật Doanh nghiệp quy định chi tiết về các nội dung này.

Theo quy định tại Điều 23 điều lệ công ty và Điều 147 Luật Doanh nghiệp, đại hội cổ đông là chủ thể có thẩm quyền ban hành nghị quyết đại hội. Vì vậy, chủ tọa thay mặt đại hội cổ đông để ký, phát hành nghị quyết đại hội. Tuy nhiên, trong thực tế, nghị quyết đại hội lại được ký ban hành bởi chủ tọa Nguyễn Anh Tuấn (thay mặt ban chủ tọa) là không đúng thẩm quyền và sai về mặt hình thức của nghị quyết.

Chương trình và nội dung họp được đại hội thông qua với tỷ lệ biểu quyết đạt 70,47%, nhưng chủ tọa lại tự ý bổ sung nội dung thay đổi số lượng thành viên HĐQT từ 5 thành viên (theo dự kiến) xuống 4 thành viên, vi phạm quy định Luật Doanh nghiệp về trình tự yêu cầu bổ sung kiến nghị vào chương trình và nội dung họp đại hội cổ đông.

Việc chủ tọa nêu và yêu cầu đại hội biểu quyết thông qua nội dung thay đổi số lượng thành viên HĐQT là không phù hợp với quy chế tổ chức đại hội đã được chính đại hội cổ đông biểu quyết thông qua với tỷ lệ 70,48%, Điều 7.1 quy định:Số lượng thành viên HĐQT cần bầu: 5 người” - ông Quang Anh dẫn chứng.

Người đại diện phần vốn Nhà nước có vượt quyền để tự quyết?

Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014) quy định rõ việc tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại đại hội cổ đông của nhóm người đại diện cần có ý kiến của đại diện chủ sở hữu, ở đây là Bộ VHTTDL.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn - một trong những người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã cung cấp Văn bản số 1290/BVHTTDL-KHTC ngày 28/3/2024 của Bộ VHTTDL về việc tổ chức đại hội cổ đông Vinasport, Văn bản số 1295/BVHTTDL-KHTC ngày 28/3/2024 về việc tiếp tục thực hiện trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ và ủy quyền của người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty. Cả 2 văn bản này đều không thể hiện ý kiến của đại diện chủ sở hữu liên quan đến các nội dung: 1) thành viên HĐQT/BKS được đề cử, ứng cử; 2) nội dung bỏ phiếu/biểu quyết đối với các vấn đề cụ thể trong chương trình họp dự kiến; 3) không có ý kiến cụ thể về việc bổ sung nội dung thay đổi số lượng thành viên HĐQT và chấp thuận biểu quyết tán thành/không tán thành.

Do vậy, các ý kiến biểu quyết của nhóm người đại diện phần vốn Nhà nước khi chưa được sự chấp thuận/phê duyệt của đại diện chủ sở hữu là không phù hợp với quy định tại Điều 48 Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Trưởng ban kiểm phiếu vi phạm quy chế bầu cử

Mặc dù là bỏ phiếu kín, nhưng tại thời điểm đại hội tiến hành bỏ phiếu biểu quyết thông qua các tờ trình đại hội, sau khi các cổ đông vừa bỏ phiếu xong, bà Nguyễn Thị Quý, Trưởng ban Kiểm phiếu đã công khai hết các thông tin được ghi trong phiếu bầu cử gồm: Thông tin cổ đông bỏ phiếu, nội dung bầu cử, số lượng chi tiết phiếu bầu.

Khoản 2, Điều 3 Quy chế biểu quyết và bầu cử quy định chi tiết về bảo mật thông tin, kiểm tra khách quan việc kiểm phiếu, nhưng trưởng ban kiểm phiếu vẫn vi phạm.

Sau khi thành viên giám sát ban kiểm phiếu là cổ đông Phạm Quang Anh phát hiện hành vi vi phạm trên và có ý kiến, bà Quý đã cùng với chủ tọa đại hội yêu cầu đại hội cho bỏ phiếu lại - đây là vấn đề phát sinh, một nội dung hoàn toàn không có trong chương trình đại hội.

Điều này cho thấy sự thiếu sót trong công tác chuẩn bị, cũng như sự vi phạm của chính nhóm người triệu tập họp khi là người dự thảo các quy chế bầu cử, bỏ phiếu mà lại vi phạm chính các quy chế đã trình, được đại hội cổ đông thông qua tại cuộc họp - ông Quang Anh bức xúc.

Cử viên chức làm người đại diện phần vốn Nhà nước

Ngày 2/6/2023, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 1429/QĐ-BVHTTDL về việc cử người đại diện phần vốn Nhà nước tại Vinasport. Theo đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, viên chức Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng, làm người đại diện phần vốn tại công ty, nắm giữ 329.010 cổ phần, chiếm 23,32% vốn điều lệ, người đại diện chịu trách nhiệm phụ trách chung; bà Nguyễn Thị Tuyết Mai làm người đại diện phần vốn tại công ty, nắm giữ 187.506 cổ phần, chiếm 15% vốn điều lệ và bà Nguyễn Thị Hoài Thu nắm giữ 125.004 cổ phần, chiếm 10% vốn điều lệ.

Điểm d, khoản 3, Điều 7 Nghị định 159/2020/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quy định: “Người đại diện phần vốn Nhà nước không là cán bộ, công chức, viên chức”.

Như vậy, nếu căn cứ Quyết định 1429/QĐ-BVHTTDL, việc Bộ VHTTDL cử ông Nguyễn Anh Tuấn là viên chức của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng làm người đại diện phần vốn Nhà nước tại Vinasport, là không phù hợp với quy định tại Nghị định 159/2020/NĐ-CP.

Mặt khác, điểm b, khoản 2, Điều 17 Luật Doanh nghiệp quy định, cán bộ, công chức, viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Vậy nhưng ngày 24/5/2024, HĐQT Vinasport đã có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Tuấn giữ chức tổng giám đốc, thời hạn bổ nhiệm là 5 năm.

Vẫn theo Điều 48 Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, việc bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Tuấn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Vinasport là một trong các nội dung mà người đại diện phần vốn Nhà nước phải xin ý kiến của Bộ VHTTDL và phải được trả lời bằng văn bản, trước khi tiến hành họp HĐQT và bỏ phiếu/biểu quyết quyết định. Bộ VHTTDL có được xin ý kiến hay không? Nếu có, bộ này có "lỡ quên" các quy định nêu trên?

Với hàng loạt các sai sót được liệt kê ở trên, không hiểu vì lý do gì, Bộ VHTTDL vẫn im lặng, để cho những người đại diện phần vốn Nhà nước đang "một tay che cả bầu trời" ở Vinasport. Cái hình hài “nguyên trạng phần vốn Nhà nước” mà Chính phủ chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ kiến nghị, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đề nghị Bộ VHTTDL chuyển giao về SCIC liệu sẽ ra sao?

Nhóm PV