Thực hiện ý kiến của Tổng cục Thủy lợi tại Văn bản số 1672 ngày 26/10/2015 và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại Văn bản số 7758 ngày 9/11/2015, UBND quận Tây Hồ đã tiếp xúc, vận động, giải thích tuyên truyền đến các hộ dân về các quy định của pháp luật về đê điều liên quan đến DA, đến nay chỉ còn 21/157 hộ dân chưa chấp hành nhận tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng; Ban Quản lý DA quận Tây Hồ đã dừng thi công trên hiện trường. UBND TP Hà Nội kính đề nghị Bộ NN&PTNT thỏa thuận về việc xây dựng tuyến đường ngõ 124 Âu Cơ để cấp phép theo quy định của pháp luật.

Còn đơn khiếu nại, tố cáo khẩn cấp của những cán bộ là công an đang sinh sống tại ngõ 124 Âu Cơ nêu: Tại Văn bản số 2847 ngày 18/12/2015 của Sở NN&PTNT Hà Nội báo cáo Tổng cục Thủy lợi viết “đã họp tuyên truyền cho đại diện một số hộ dân về những quy định của pháp luật về đê điều” nhưng thực tế đến thời điểm hiện tại, tất cả các hộ gia đình đang sinh sống tại đây vẫn chưa được tuyên truyền, phổ biến hoặc đối thoại với UBND quận Tây Hồ hoặc phường Tứ Liên dưới bất kỳ hình thức nào về vấn đề này.

Một điểm nữa, tại Báo cáo thẩm định số 1032 ngày 29/7/2010 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về DA có ghi: Loại cấp công trình đường ô tô, đường trong đô thị, đường phố nội bộ là công trình cấp IV, trong khi đó UBND quận Tây Hồ phê duyệt DA đầu tư tại Quyết định số 1120 ngày 5/4/2011 thì lại nâng loại, cấp công trình lên thành công trình đường giao thông nội đô cấp III. “Rõ ràng đây là việc cố tình làm sai của UBND quận Tây Hồ” - đơn nêu.

Mặt khác, khi DA đang bị yêu cầu dừng thi công thì không thể triển khai các phần việc liên quan nhưng UBND quận Tây Hồ vẫn bưng bít và bất chấp pháp luật để áp dụng biện pháp cưỡng chế với 5 hộ dân, sai với Luật Đất đai 2013.

Sau khi có nhiều đơn khiếu nại của người dân, ngày 24/6/2016, UBND quận Tây Hồ đã phải ra Thông báo “Tạm hoãn cưỡng chế” đối với 5 hộ dân này. Lý do được đưa ra ở đây là thay đổi thành viên Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất và kiến nghị của một số hộ dân liên quan về việc xem xét bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Sự thiếu trung thực còn được người dân phản ánh trong đơn: Thông báo số 393 ngày 9/12/2015 của Sở NN&PTNT Hà Nội kết luận về việc kiểm tra một số nội dung liên quan đến DA đã ghi “đến ngày 21/8/2015, Ban Quản lý DA đã chỉ đạo dừng thi công theo ý kiến chỉ đạo tại Văn bản 756 của Chi cục Đê điều Hà Nội, nhưng thực tế đến ngày 19/11/2015, quận Tây Hồ vẫn tiến hành thi công” mặc dù người dân có quay phim chụp ảnh gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn không có đả động gì. Lợi dụng điều đó, trong 3 tháng, đơn vị thi công đã lát được hơn 2.000m2 vỉa hè, xây cống thoát nước, đổ 750m2 bê tông mặt đường đặt công trình vào thế đã rồi để các cấp phải khắc phục xin thỏa thuận sửa sai cho Ban Quản lý DA quận Tây Hồ.

“Trong khi Công văn số 745 ngày 23/5/2016 của Tổng cục Thủy lợi đã khẳng định vẫn phải thực hiện DA theo nội dung Công văn số 1672 của Tổng cục này ký ngày 26/10/2015 thì UBND quận Tây Hồ và Sở NN&PTNT Hà Nội không nghiêm túc thực hiện mà tiếp tục bưng bít, báo cáo sai sự thật để đẩy các cơ quan thành phố xin phép nhằm hợp thức hóa các sai phạm của UBND quận Tây Hồ” – Một người dân bức xúc.

Theo các hộ dân, trong 8 năm qua, họ đã gửi hơn 450 đơn khiếu nại, tố cáo các vi phạm của quận Tây Hồ đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết nhưng tình hình vẫn không có gì biến chuyển.

“Một lần nữa, chúng tôi tin tưởng với sự công tâm, công bằng và xem xét thấu đáo, Bộ NN&PTNT cùng UBND TP Hà Nội hãy tạm hoãn cấp phép như đề nghị tại Công văn 3435 ngày 10/6/2016 của UBND TP Hà Nội và trực tiếp kiểm tra việc thi công DA này cũng như tổ chức gặp gỡ tiếp xúc với các hộ dân để có được sự thật về DA, đặc biệt những vấn đề liên quan đến đê điều, tiêu chuẩn xây dựng (TCXDVN 104 - 2007) và nhất là nội dung tại Quyết định số 4177 ngày 8/8/2014 về việc phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6) tỷ lệ 1/2.000”. Chúng tôi xin chuyển lời đề nghị khẩn thiết của các hộ dân đến các cơ quan chức năng.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nam Dũng