Toàn xã Tịnh Hà có khoản 100ha đất bãi bồi ven sông Trà, nếu cải tạo sẽ trồng cây lâu năm, cây chắn lòng nước… tạo vùng đất màu mỡ, phù sa; tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương vốn dĩ đang thiếu trầm trọng đất nông nghiệp để sản xuất.

Tháng 6/1994, UBND xã có tờ trình về việc sử dụng vùng bãi cát bồi Thọ Lộc - Trường Xuân để giao cho các hộ dân trồng cây lâm nghiệp, cây lâu năm và được UBND huyện Sơn Tịnh phê duyệt.

Ngày 10/7/1994, UBND xã và đại diện thôn Trường Xuân lập biên bản giao mốc giới cho ông Thạch với diện tích 29,66ha đất thuộc tờ bản đồ số 8 Tịnh Hà trong đó đất trồng dâu 6,36ha, còn lại trồng cây lâu năm là 23,2ha .

Là người địa phương đã từng tham gia bám trụ trong kháng chiến, giữ chức Xã đội Trưởng rồi Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã Tịnh Hà (trước khi nghỉ hưu là Phó Chánh Thanh tra Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất), ông Thạch am hiểu từng bến sông, bãi đất. Ông mạnh dạn đứng ra nhận đất bãi bồi và trồng được 15ha với gần 300 ngàn cây keo lá tràm, bạch đàn.

Trong quá trình sử dụng đất, tranh thủ cả thời gian sớm tối, ngày nghỉ, ông Thạch miệt mài gắn bó với bãi bồi và chăm sóc rừng cây gồm hàng trăm ngàn cây giống ngày càng cao to, rợp màu xanh ngát trên bãi bồi vốn dĩ nóng rát thuở nào... Rừng cây của ông chạy dài 600m từ cầu Trường Xuân lên xóm Vạn (thôn Thọ Lộc Tây). Tỷ lệ cây sống là 7ha và đã từng được ngành chứng năng kiểm định, đánh giá mức đầu tư, chăm sóc lên đến 7 tỷ đồng đền bù thiệt hại, nếu thu hồi đất để giao quyền khai thác cát cho đơn vị khác.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cây, ông Thạch đau xót khi chứng kiến cảnh tài sản của mình nhưng bị người khác “cướp” một cách trắng trợn giữa ban ngày.

Cát tặc đã mở cùng lúc 5 con đường chạy xuyên vào giữa rừng cây và mỗi ngày có hàng chục xe tải ngang nhiên vào đây xúc cát. Trước mắt chúng tôi, hàng trăm cây cao lớn bị ngã trơ gốc bên các cây khác đã khô trơ trụi cành lá. Bên cạnh đó, cát tặc còn đào khoét nhiều hố âm đến 2 - 3m chạy quanh các gốc cây để lấy cát, làm cây ngã đổ la liệt. Có những cây trơ trọi gốc trên nỗng cát nhỏ, chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua nó sẽ ngã bật ngay tức thì.

Ngoài cái chòi tạm nằm ven mép sông thấp thoáng bóng một vài phụ nữ với vai “chủ bãi” thường xuyên túc trực ở đây để thu tiền “bến” của các xe tải kiếm lợi vài triệu đồng/ngày. Còn diện tích rừng cây của ông Thạch, ngày càng bị gặm nhấm, xói lở và ngã dần, hiện nay chỉ còn gần 1,5ha.

Thấy 6 - 7 người cả nam lẫn nữ đang hì hục dùng xẻng móc sâu vào gốc cây gỗ to để đưa cát lên xe, ông Thạch dậm chân hò la khản cả cổ yêu cầu dừng lại vì cây sắp bị ngã nhưng người xúc cát vẫn tỉnh bơ: “Cho xin một xe đổ nền nhà mới xây rồi thôi…”. Hơn 1 giờ sau, chúng tôi thấy chính chiếc xe biển kiểm soát này tiếp tục chạy vào vườn cây của ông Thạch “ăn cát”, như là “chốn không người”.

Ông Nguyễn Thanh Đình, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Hà than thở: “Hằng ngày xe tải ra vào lấy cát công khai trong vườn cây của ông Thạch như bươm bướm, phá nát vườn cây cao to của ông mà chính quyền không biết cách nào ngăn chặn. Đành rằng, ngân sách không thu được đồng nào mà xe chở cát còn phá nát đường giao thông xóm Vạn, Thọ Lộc Tây xuống đến Trường Xuân…”.

Một cán bộ tổ nông dân Thọ Lộc Tây cho biết: Không chỉ khai thác trộm cát mà họ còn dã tâm đến mức khi thấy cây to của ông Thạch bị ngã, đã dùng xe tải kéo ra sông chặt bỏ cành lá, cắt thành nhiều khúc rồi dùng ghe đẩy gỗ về bán cho các xưởng cưa lấy tiền. Trong khu vực vườn cây của ông Thạch cũng từng có người tử vong khi đi lấy củi khô, không may cây to bị khoét quanh gốc bất ngờ bật rễ đè lên người, nhưng họ cứ phớt tỉnh làm liều… Hậu quả nhãn tiền về vườn cây ông Thạch hầu như chính quyền địa phương đều biết!

Đầu năm 2015, lãnh đạo xã Tịnh Hà đã họp bàn và nhận định: Gần đây, một số người dân bất chấp luật pháp, tự ý đào bới trong khu vực diện tích trồng cây của ông Thạch đầu tư trồng năm 1993, nay bị hư hại, tổn thất lớn đến tài sản cá nhân. Cuộc sống cư dân bị xáo trộn phát sinh biểu hiện tệ nạn xấu trong địa phương. Thời gian qua, có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng không hiệu quả, tình trạng khai thác cát bừa bãi tại đây xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng hơn…

Thay vì có giải pháp tối ưu để xử lý triệt để vấn nạn cát tặc thì lãnh đạo xã lại lựa chọn: “Do nạn khai thác cát bừa bãi vài năm đến nay không chấm dứt, xâm hại việc phát triển rừng cây gây tổn thất nặng; nên cần có biện pháp khẩn trương, hữu hiệu hơn nhằm giải quyết hợp lý tình trạng xấu diễn ra, xã đề nghị cấp thẩm quyền đồng ý chuyển khu vực bãi bồi này, trong đó đưa phần diện tích trồng cây của ông Thạch đang sử dụng để tổ chức đấu giá khai thác cát đúng quy định; nhằm lập lại trật tự và đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người sử dụng…”.

Cũng từ đây, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ, trắng trợn cả ngày lẫn đêm, dù chỉ nằm cách trụ sở UBND xã Tịnh Hà chưa đầy 3 km và cách các cơ quan công quyền của huyện Sơn Tịnh 5 km nhưng chính quyền vẫn “bó tay” trước cát tặc. Quyền lợi chính đáng của ông Thạch bị xâm phạm dài dài…

Chia tay chúng tôi, ông Thạch ngậm ngùi: “Gần 20 năm lăn lộn, gắn bó và tự đầu tư vốn trồng vườn cây bãi bồi Thọ Lộc - Trường Xuân cao lớn, rồi DNTN Ngọc Đá của gia đình cũng tự nguyện bỏ ra hơn 500 triệu đồng làm đường giao thông cho người dân xóm Vạn, nay thành quả gần như công cốc…”.

Trước thực trạng vấn nạn cát tặc xâm phạm đến tài nguyên của đất nước và tài sản công dân ở Tịnh Hà, dư luận mong sớm nhận được câu trả lời của chính quyền huyện Sơn Tịnh và tỉnh Quảng Ngãi.

                                                                                Ngọc Phó