Như thông tin Báo Thanh tra phản ánh, nhiều tháng nay, đông đảo người dân thuộc xã Nghĩa An, huyện Nam Trực luôn bất an trước nguy cơ mất đất sản xuất để nhường chỗ cho D.A xây dựng nhà máy sản xuất giầy xuất khẩu do Cty Bunda Footwear có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc). Người dân mong giữ lại thửa đất “bờ xôi, ruộng mật” để lo kế sinh nhai lâu dài.

Nguồn sử dụng đất khu vực này là người dân được giao sử dụng ổn định lâu dài với thời hạn sử dụng đất được xác định theo Luật Đất đai năm 2013 là 50 năm, đến 31/12/2063.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại liên tục hối thúc người dân bằng loa phát thanh, gửi văn bản kiểu “lập lờ” yêu cầu người dân tới trụ sở xã để “nhận tiền hỗ trợ do Nhà nước thu hồi đất trồng lúa cho Cty Bunda Footwear” mà không hề có quyết định thu hồi đất của tỉnh theo quy định.

Điều khiến người dân phản ứng gay gắt, bức xúc nhất là họ cho rằng bị chính quyền địa phương “ép” phải thỏa thuận bán đất cho phía Cty bằng nhiều hình thức. Ví dụ như, nếu là đảng viên phải “tự nguyện bán đất trước nếu không sẽ bị gọi lên xã”; nông dân chưa bán đất thì liên tục có cán bộ thuộc các đoàn thể, thậm chí có cả công an huyện, xã vào tận nhà để vận động hoặc người nhà của hộ có ruộng đang làm ăn, công tác ở xa cũng được gọi điện hoặc đến tận đơn vị để tuyên truyền, gọi điện về động viên người nhà bán ruộng. Một số trường hợp đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tận Nha Trang cũng được cán bộ địa phương vào tận đơn vị động viên để gia đình ở quê bán đất cho doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Nông, đại diện người dân có nguy cơ mất đất sản xuất phản ánh: Sau khi lên huyện trình bày không đồng tình việc bán đất cho doanh nghiệp nước ngoài thì tối ngày 8/3, ông bị một số đối tượng lạ mặt xông vào nhà chém 3 nhát, gây thương tích tại phần tay và bụng. Vụ việc đã được trình báo lên công an huyện, xã nhưng không tìm được thủ phạm. Một số người dân khác phản đối việc bán đất cũng tố bị một số đối tượng có ý định đột nhập vào nhà đe dọa đến an toàn tính mạng của gia đình. Cho rằng, các vụ việc trên nhằm uy hiếp để người dân không kéo lên huyện, tỉnh khiếu kiện cho nên phản ứng của người dân ở đây càng gay gắt hơn.

Cung cấp tới phóng viên hàng xấp cuống thư của bưu điện, người dân thôn Nghĩa An cho biết nhiều lần gửi đơn thư lên trực tiếp lãnh đạo huyên Nam Trực, tỉnh Nam Định và cấp Trung ương. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của các cấp, các ngành. Do vậy, người dân vẫn tập trung thành đoàn đông người lên huyện, tỉnh khiếu kiện.

Nhằm làm rõ thông tin phản ánh của nhân dân tại xã Nghĩa An, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Phạm Văn Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã và ông Phạm Văn Hoạt, Chủ tịch UBND xã, đều là ủy viên Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng D.A của Cty Bunda Footwear do Huyện ủy Nam Trực thành lập (ông Triệu Đức Hạnh, Bí thư Huyện ủy, Tỉnh ủy viên là Trưởng ban; ông Nguyễn Đức Tiến, Chủ tịch UBND huyện là Phó ban Thường trực - PV).

Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hoạt cho biết, vào tháng 3/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị gọi Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã lên họp triển khai thực hiện D.A theo chủ trương của Nhà nước. Theo đó, xã Nghĩa An phải thu hồi hơn 28ha đất lúa để thực hiện D.A xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu.

Ông Hoạt khẳng định, chủ yếu là tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo chủ trương. Cty chỉ thỏa thuận thôi chứ không bắt ép người dân. Đến nay, 180/265 người dân đã nhận tiền, còn lại đang chờ giá chứ dân thích đổi ruộng đi cũng không được. Có người muốn đổi ruộng đi nhưng không cho đổi.

Ông Phạm Văn Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, đại đa số dân đồng tình nhưng còn một số dân vẫn đang có ý kiến vì người dân chê giá thấp. Giá thì 72 triệu đồng/sào nhưng người dân so bì với một số D.A đã triển khai trước đây, khi thỏa thuận với dân, doanh nghiệp đã trả đến 117 triệu đồng, cao hơn là 120 triệu đồng/sào.

Phóng viên đặt vấn đề tại sao giá thỏa thuận tại D.A của Cty Bunda Footwear lại thấp hơn thì ông Hanh trả lời chung chung, ở dưới đây D.A của nước ngoài thì chỉ vậy thôi. Trên này là giá doanh nghiệp trong nước người ta tự mua với dân. Giá này là do tỉnh chỉ đạo xuống!

Bí thư Đảng ủy xã xác nhận, khoảng tháng 3/2016, chính quyền đã thông báo người dân nhận tiền để tự nguyện trả đất để thực hiện D.A (nhưng đến tháng 5/2016, UBND tỉnh mới phê duyệt chủ trương thực hiện D.A - PV). Tuy nhiên, sau khi bầu cử xong thì huyện mới tập trung chỉ đạo thực hiện. Xã chỉ vận động người dân trả lại đất để sau đó tỉnh cho doanh nghiệp thuê lại chứ không có quyết định thu hồi. Các văn bản cứ nói vậy (văn bản mời dân ra xã nhận tiền hỗ trợ do Nhà nước thu hồi đất trồng lúa cho Cty Bunda Footwear - PV) chứ có quyết định thu hồi thì tình hình đã khác rồi. Bí thư Đảng ủy xã cũng thừa nhận ra văn bản như vậy là sai sót.

 

Người dân mong giữ lại thửa đất “bờ xôi, ruộng mật” để lo kế sinh nhai lâu dài. Ảnh: HL

 

Bí thư Đảng ủy xã cho biết, quá trình vận động, tổ chức Đảng cũng yêu cầu các đảng viên phải thực hiện nghiêm túc trả lại đất cho Nhà nước. Đồng thời, công an huyện cũng đến nhà dân để vận động người dân nhận tiền của doanh nghiệp nước ngoài, tự nguyện trả đất Nhà nước để cho thuê thực hiện D.A. Ông xác nhận, có việc ông Lê Văn Nông bị chém nhưng phủ nhận có liên quan đến Cty Bunda Footwear mà cho rằng do nhiều vấn đề khác.

Nhằm xác minh thông tin người dân phản ánh, phóng viên liên hệ làm việc với UBND huyện Nam Trực. Lấy lý do các lãnh đạo huyện đều bận cả, cán bộ Văn phòng UBND huyện giới thiệu chúng tôi sang Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện làm việc.

Sau nhiều lần gọi điện xin phép, bà Bùi Thị Diệu Hà, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường mới cung cấp một vài văn bản liên quan, tuy nhiên từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên về tính pháp lý của D.A.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tính đến ngày 1/7, UBND huyện có báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị về tiến độ giải phóng mặt bằng các D.A đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó: “D.A Bunda Footwear đã trả tiền cho 161/265 hộ dân với số tiền gần 30 tỷ đồng, diện tích 14ha. Đang tiếp tục vận động các hộ dân còn lại tự nguyện trả lại đất và nhận tiền đền bù”.

Nguy cơ phát sinh điểm nóng "khiếu kiện" đang có khả năng hình thành. Theo phản ánh của các hộ dân, các cơ quan chức năng địa phương không thụ lý đơn thư của họ khiếu nại về tính pháp lý của D.A này mà chỉ quan tâm đến việc vận động người dân bán đất cho doanh nghiệp này, dù mới được đồng ý về chủ trương.

Hoàng Long