Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

Ý thức chấp hành pháp luật là thước đo phổ biến, giáo dục pháp luật

Theo kết luận của Ban Bí thư, qua hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng.

Song vẫn còn hạn chế như một số cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Phương thức, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, việc sử dụng nguồn lực tài chính và huy động nguồn lực xã hội phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thật hiệu quả.

“Sự phối hợp giữa công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật chưa chặt chẽ. Ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế”, kết luận nêu rõ.

Để tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác này, cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 32.

Theo đó, lưu ý xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

“Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và của mọi người dân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Kết hợp chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật”, Ban Bí thư yêu cầu.

Cùng với đó, thực hiện đầy đủ các thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật hiện hành; đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các nhóm đối tượng đặc thù yếu thế, đồng bào dân tộc, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thông tin đầy đủ vấn đề lớn, xã hội quan tâm

Ban Bí thư cũng yêu cầu, chú ý củng cố đội ngũ người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; có chính sách thích hợp để sử dụng đội ngũ người biết tiếng dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật kịp thời, thực chất, hiệu quả.

Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở, gắn với việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Mặt trận và đoàn thể nhân dân trong công tác này.

Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cần bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể. Kịp thời thông tin đầy đủ ngay từ khi soạn thảo các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật.

Các cấp uỷ, tổ chức Đảng tiếp tục chỉ đạo đổi mới, đa dạng hoá các hình thức, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng; ưu tiên khung giờ thu hút đông đảo khán, thính giả đối với các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật; nâng cao chất lượng các hoạt động đối thoại, giải đáp, tư vấn pháp luật….

Theo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32, tính đến ngày 1/5/2019, cả nước có 27.401 báo cáo viên pháp luật (trong đó có 1.947 báo cáo viên pháp luật Trung ương, 7.674 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 17.780 báo cáo viên pháp luật cấp huyện) và 137.844 tuyên truyền viên pháp luật. 100% báo cáo viên pháp luật trung ương có trình độ đại học và trên đại học.

Đối với khối trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, tính đến năm học 2017-2018, cả nước có 14.899 giáo viên dạy môn giáo dục công dân. Đối với khối trường đại học, cao đẳng, hầu hết đã bố trí giáo viên giảng viên giảng dạy pháp luật với tổng số 1.418 giảng viên giảng dạy kiến thức pháp luật của các cơ sở giáo dục đại học (bao gồm cả các trường đang đào tạo chuyên về ngành luật).

Theo thống kê chưa đầy đủ, giai đoạn 2010-2019, các bộ, ngành, địa phương đã dành hơn 2.747 tỷ đồng cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Trong đó, TP Hà Nội hơn 400 tỷ đồng; TP Hồ Chí Minh hơn 280 tỷ đồng; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 260 tỷ đồng…

Cũng theo báo cáo tổng kết, một số tỉnh, TP đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật qua mạng xã hội như Đồng Tháp, Công an TP Đà Nẵng duy trì 2 trang Facebook “Cảnh sát giao thông TP Đà Nẵng” và “Tuổi trẻ Công an TP Đà Nẵng”; trang Facebook “Tư vấn pháp luật của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk”…

Hương Giang