Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII ngày 2/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu một số ý kiến, có tính chất gợi mở để Trung ương nghiên cứu, thảo luận, xem xét, quyết định.

Đề cập đến vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 - 2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, phân tích sâu những đặc điểm nổi bật của năm 2023, làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, những thách thức phải tiếp tục vượt qua.

Cùng với đó, chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm; dự báo những khả năng, những tình huống sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 với tinh thần thật sự khách quan, toàn diện.

Tổng Bí thư đặc biệt đề nghị các đại biểu dự hội nghị chú ý đến những khó khăn, hạn chế đã và sẽ phải đối mặt.

Đó là, kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ thị trường nước ngoài; thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn và tiềm ẩn rủi ro.

Hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn. Sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch Covid-19.

Một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh giải quyết công việc thuộc thẩm quyền; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn phức tạp...

“Từ đó, xác định rõ ràng, đúng đắn những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của những tháng còn lại của năm 2023 và cho năm 2024; trong đó có sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7/2024”, Tổng Bí thư nêu.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đội ngũ trí thức

Về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI, theo Tổng Bí thư, 10 năm qua, các chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện, từng bước nâng cao chất lượng, mức hỗ trợ và mở rộng diện bao phủ theo hướng công bằng, tiến bộ, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, cơ bản bảo đảm an sinh của người dân theo quy định của Hiến pháp.

Thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; việc làm cho người lao động cơ bản được bảo đảm. Hệ thống y tế, giáo dục, an sinh và trợ giúp xã hội tiếp tục được kiện toàn và mở rộng…

Tuy nhiên, chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội vẫn còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém và nhìn chung chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

“Chúng ta cần tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao về nhận định, đánh giá tình hình, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành nghị quyết mới của Trung ương về vấn đề đặc biệt quan trọng này”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Ông cũng nhấn nạnh, cần phân tích, dự báo một cách có cơ sở khoa học về bối cảnh tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ mới; xác định rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân trong thời kỳ mới.

Về xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trong mọi thời đại và ở bất cứ quốc gia nào, đội ngũ trí thức luôn luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc.

Ông đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, cho ý kiến đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức, từ đó đề ra quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đội ngũ trí thức.

Về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư đề nghị, Trung ương chú ý phân tích, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về bối cảnh tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ mới, sự phát triển và thay đổi về nhu cầu, lợi ích của các giai tầng xã hội hiện nay; những kết quả, thành tựu chủ yếu cần tiếp tục được phát huy; những hạn chế, khuyết điểm cần sớm được khắc phục, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm được rút ra, và chủ trương, chính sách tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ đó, cho ý kiến về sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành nghị quyết mới và những nội dung chủ yếu của Dự thảo Nghị quyết về “tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”.

Hương Giang