Sáng 16/4, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bộ Lệnh về việc công bố Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi) đã được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 11.

Bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV thông qua Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi) với tỷ lệ 454/455 đại biểu đồng ý, 1 đại biểu không bỏ phiếu.

Luật gồm 8 chương, 55 điều, quy định cụ thể chính sách phòng, chống ma tuý, trong đó nhấn mạnh “ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma tuý cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma tuý”.

Luật cũng quy định thêm một số hành vi bị nghêm cấm như: Nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định trái phép chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần; chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma tuý trong cơ thể, xác minh tình trạng nghiện ma tuý…

Trao đổi với báo chí, Thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh, ma tuý là hiểm hoạ của toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Đặc biệt, ma tuý vận chuyển vào Việt Nam là vấn đề hết sức phức tạp. Do vậy, cần tập trung vào đối tượng sử dụng trái phép và nghiện chất ma tuý cũng như các biện pháp cai nghiện.

Theo Thượng tướng, trong cai nghiên, phải huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của nhân dân, tránh kỳ thị, nhưng đồng thời cũng phải kiên quyết.

Lần này, luật đã quy định rất kỹ, thế nào là cai nghiện tự nguyện và bắt buộc, thế nào là cai nghiện tập trung và cai nghiện tại cộng đồng. Ngoài các cơ sở công lập, cũng khuyến khích các cơ sở cai nghiện tư nhân.

So với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008, luật mới quy định cụ thể trường hợp bị xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể để các cơ quan chức năng có căn cứ khách quan xác định người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và giám sát người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Ngay khi phát hiện sử dụng trái phép chất ma tuý, tuy chưa phải nghiện, cơ quan công an cơ sở đã phải có hồ sơ, theo dõi, để phục vụ công tác quản lý, theo dõi, hỗ trợ và đây không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

Phải làm cho tội phạm ma tuý thực sự khiếp sợ, chùn bước

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công an, ở độ tuổi từ đủ 12 - 18, nếu không quản lý, giáo dục tốt, các cháu rất dễ đi vào con đường này. Qua phân tích cho thấy, độ tuổi này đang trong giai đoạn ham hiểu biết, khác lạ nên dễ đi vào nghiện ngập.

“Ngay cơ quan soạn thảo và đại biểu Quốc hội cũng rất phân vân, vì các cháu còn trẻ, đang trong tuổi vị thành niên. Trẻ em như búp trên cành, nên chúng ta phải chăm lo”, ông Vương nhấn mạnh.

Vì vậy, nếu đưa người nghiện ma tuý từ đủ 12 -18 tuổi vào cơ sở bắt buộc phải có ý kiến của toà án; cơ sở đưa các cháu vào phải là cơ sở công lập, được chuẩn bị kỹ lưỡng, kể cả dạy và học cũng như quyền vui chơi của các cháu.

Lãnh đạo Bộ Công an cho biết thêm, qua sơ kết 3 tháng về tấn công tội phạm ma tuý ở biên giới Tây Nam, có chủ tịch tỉnh và ngay đại biểu Quốc hội khi thảo luận cũng nói, phải làm thế nào để phòng chống ma tuý đạt hiệu quả như chúng ta phòng chống COVID-19 ở Việt Nam.

“Làm được như vậy, tôi tin chúng ta sẽ đẩy lùi được tệ nạn ma tuý ở Việt Nam”, ông Vương nói.

Theo ông, quan điểm của lực lượng công an là không phải ma tuý vào trong nước mới bắt giữ, mà sẽ phải chủ động tấn công ngay từ biên giới. Chúng ta đang phối hợp tốt với các nước bạn và có nhiều chuyên án để làm sao đẩy ma tuý xa biên giới nước ta.

“Vừa rồi các tuyến biên giới đấu tranh mạnh mẽ, cơ quan công an sẽ đẩy mạnh việc này, làm thế nào để tội phạm ma tuý thực sự khiếp sợ, thực sự chùn bước, đưa ma tuý vào là bị bắt, đó là yêu cầu đặt ra trong công tác phòng ngừa. Đi liền với nó là giải quyết vấn đề cai nghiện, tránh tình trạng đối tượng nghiện hút lại trở nên thèm thuốc, ngáo đá, gây ra những vụ án thương tâm”, Thượng tướng nhấn mạnh.

Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Hương Giang