Quốc hội dành trọn 1 ngày hôm nay (29/5) để nghe và thảo luận trên hội trường về báo cáo giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Huy động 230.000 tỷ đồng phòng, chống dịch Covid-19

Trong báo cáo được gửi tới các đại biểu Quốc hội, đoàn giám sát đánh giá, Covid-19 là đại dịch có quy mô toàn cầu, chưa từng có tiền lệ, gây hàng triệu ca tử vong trên thế giới.

Tại Việt Nam trải qua 4 đợt dịch, đến ngày 31/12/2022, cả nước ghi nhận hơn 11,5 triệu ca mắc; tỷ lệ tử vong 0,4%.

Để phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện chính sách an sinh xã hội, theo báo cáo của Chính phủ, tổng nguồn lực trực tiếp huy động trong giai đoạn 2020-2022 khoảng 230.000 tỷ đồng, trong đó, huy động từ ngân sách là 186.400 tỷ đồng, còn lại từ các nguồn khác.

Dù vậy, ở nhiều địa phương, kể cả những nơi cân đối được ngân sách như TP HCM, Đồng Nai vẫn gặp khó khăn, thiếu kinh phí chống dịch trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh.

Tổng số kinh phí đã phân bổ trong 3 năm 2020-2022 là gần 176.000 tỷ đồng.

Chỉ ra hạn chế, theo Đoàn giám sát, một số đơn vị, địa phương ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kit xét nghiệm… với nhiều hình thức khác nhau như có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả...

“Kiểm toán Nhà nước đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kít xét nghiệm có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương”, báo cáo của đoàn giám sát nêu rõ.

Cạnh đó, nhiều vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, vay, mượn kít xét nghiệm. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong 2 năm 2020 và 2021, các đơn vị đã mua sắm sinh phẩm, hóa chất, kit xét nghiệm với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất.

Trong đó, có một số đơn vị mua kít xét nghiệm từ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á giá trị lên tới hơn 2.100 tỷ đồng.

Vụ Việt Á đã khởi tố 107 bị can, đang tiếp tục điều tra mở rộng

Liên quan đến vụ việc mua kít xét nghiệm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, đoàn giám sát cho biết, đến đầu tháng 5, theo báo cáo của Bộ Công an, các cơ quan điều tra đã khởi tố 30 vụ án, 107 bị can.

Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) khởi tố 1 vụ án, 31 bị can; Cơ quan Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng khởi tố 1 vụ án, 5 bị can; cơ quan cảnh sát, điều tra của 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã khởi tố 28 vụ án, 71 bị can.

“Vụ án cũng đang tiếp tục được điều tra mở rộng”, theo đoàn giám sát.

Về vụ chuyến bay giải cứu, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án “đưa và nhận hối lộ”, khởi tố nhiều lãnh đạo, cán bộ, công chức có liên quan ở Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế và một số địa phương.

Đến ngày 3/4, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với 54 bị can về 5 hành vi phạm tội (đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản).

Vụ án đã được Viện KSND hoàn tất cáo trạng và chuyển cơ quan xét xử. Cơ quan chức năng chưa phát hiện vi phạm các quy định về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực trong vụ việc này.

“Đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch, đặc biệt trong công tác nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, mua bán kít xét nghiệm Covid-19 liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước cách ly tại cơ sở dân sự, tự nguyện trả phí trong thời gian dịch Covid-19; nhiều cán bộ ở Trung ương và địa phương bị xử lý hình sự”, đoàn giám sát chỉ ra.

Đoàn giám sát đã đề xuất nhiều nhóm giải pháp, trong đó, đề nghị tiêp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để có thể chủ động ứng phó hiệu quả với các trường hợp khẩn cấp, cấp bách về dịch bệnh có tác động lớn đến kinh tế - xã hội.

Cạnh đó, quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực; bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc.

Các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra. Khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á theo chủ trương của Bộ Chính trị về phân loại xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm, theo đoàn giám sát.

Lạm dụng vị trí độc quyền để nâng giá bán cao bất thường

Từ đầu tháng 1/2022, Thanh tra Chính phủ đã thành lập và tổ chức triển khai 3 đoàn thanh tra (tại Bộ Y tế, TP Hà Nội và TP HCM). Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra các bộ, ngành, địa phương, tiến hành thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, 61/63 tỉnh, thành phố thành lập đoàn thanh tra; có 9/20 bộ đã thành lập đoàn thanh tra để triển khai nhiệm vụ.

Kết quả thanh tra, đã phát hiện một số vụ việc vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, cung cấp hàng hóa mua bán qua nhiều trung gian, nâng hoặc lạm dụng vị trí độc quyền để nâng giá bán cao bất thường…

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển hồ sơ/chuyển thông tin cho Bộ Công an để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Cụ thể, 2 vụ việc chuyển hồ sơ là việc mua sắm 2 gói thầu vật tư y tế tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP HCM, trong đó có 1 công ty trúng thầu; 14 vụ việc chuyển thông tin (1 đơn vị thuộc Bộ Y tế, 5 công ty trúng thầu cung cấp cho 8 đơn vị thuộc Bộ Y tế; 6 công ty trúng thầu cung cấp cho CDC TP Hà Nội và 34 bệnh viện thuộc TP Hà Nội; 6 công ty trúng thầu cung cấp cho 5 bệnh viện thuộc TP HCM và 4 công ty trúng thầu cung cấp cho Sở Y tế TP HCM). 

Hương Giang