Ngày 11/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đường bộ. Dự kiến, luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại đợt 2 của kỳ họp thứ 7.

Tránh hiểu sẽ thu phí sử dụng đường cao tốc từ 1/10/2024

Một trong những vấn đề được quan tâm nêu ý kiến là thu phí sử dụng đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ban soạn thảo đề nghị việc thu phí sử dụng đường cao tốc có hiệu lực từ ngày 1/10/2024.

Quy định này, theo ban soạn thảo, nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý để triển khai công tác thu phí như: đầu tư xây dựng hạ tầng trạm thu phí (phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án, lập thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu xây dựng, lắp đặt các công trình, thiết bị, công nghệ thu phí); xây dựng mức thu phí, cơ chế quản lý phí sử dụng đường bộ.

Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng An ninh - cơ quan thẩm tra cho rằng, đây là một chính sách mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trong khi một số dự án đường cao tốc đã đưa vào khai thác và đang xây dựng chưa được bố trí vốn cho các hạng mục thu phí do chưa có quy định thu.

leftcenterrightdel
 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đường bộ. Ảnh: P.Thắng

Vì vậy, theo cơ quan thẩm tra, cần phải tổng hợp, thống kê đối với tính chất và nhu cầu của từng dự án để chuyển tiếp phù hợp, khả thi.

“Trong đó có cân nhắc đến các yếu tố hiện trạng dự án, yêu cầu về trang thiết bị thu phí, việc bố trí vốn, thời gian lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư lắp đặt trang thiết bị và vận hành thu phí”, ông Tới nói.

Để đảm bảo các yêu cầu nêu trên và tránh hiểu ngày 1/10/2024 sẽ thu phí sử dụng đường cao tốc, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung khoản 3 Điều 50 dự thảo luật.

Chính phủ quy định về điều kiện, thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc; việc thu phí sử dụng đối với đường cao tốc mà mà chưa đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 45 và khoản 2 Điều 47.

“Tôi cho rằng phương án này là phù hợp, đảm bảo linh hoạt, không nên quy định quá cứng trong luật”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến sau đó.

Đánh giá kỹ đường cao tốc như thế nào là đạt chuẩn

Về đường cao tốc, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là nội dung mới so với luật hiện hành. Nhiều vấn đề đã được luật hóa từ thực tiễn đầu tư, xây dựng đường cao tốc thời gian vừa qua.

Ông đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý kỹ nội dung này, nhất là quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đường cao tốc; đầu tư, xây dựng, phát triển đường cao tốc; hình thức đầu tư, mối quan hệ giữa đường cao tốc với các đường hiện hữu.

“Tôi đề nghị đánh giá kỹ đường cao tốc như thế nào là đạt chuẩn, như thế nào là chưa đạt chuẩn. Một số nước, đường cao tốc mỗi bên thấp nhất 4 làn xe, 5 làn xe, còn đường cao tốc của mình mỗi bên 3 làn xe, có nơi hiện 2 làn xe, như cao tốc Cần Thơ - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Trung Lương chỉ 2 làn xe, Trung Lương - TP Hồ Chí Minh thì được 3 làn xe”, Chủ tịch Quốc hội nói.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: P.Thắng

Trên cao tốc, cũng phải tính toán làn xe thoát hiểm, theo Chủ tịch Quốc hội.

Ông nói, cao tốc mỗi bên 2 làn xe khi xảy ra sự cố thì rất khó xử lý. Vừa qua trên các tuyến đường cao tốc xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.

“Người ta nói đại lộ là đại phú, trung lộ là trung phú, tiểu lộ là tiểu phú. Đầu tư dòng đường, dòng điện, dòng nước sẽ tạo ra dòng đời tươi sáng. Bất cứ nước nào nhìn vào hệ thống hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển để thấy sự phát triển của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, làm Luật Đường bộ phải nhìn quá khứ, thấy hiện tại, và tương lai để tính toán hình thức đầu tư, mối quan hệ giữa đường cao tốc với các đường hiện hữu.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho hay, vừa qua đã ban hành Quy chuẩn đường cao tốc, trong đó cơ bản đầy đủ những vấn đề liên quan đến quy mô hay liên quan đến hệ thống giao thông minh.

Theo ông Thắng, tất cả các tuyến đường kết nối trực tiếp với 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang quy hoạch theo hướng tối thiểu 8 làn. Nhưng thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục bổ sung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch để tối thiểu 10 làn.

Riêng tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận hiện Bộ Giao thông Vận tải đang kêu gọi đầu tư. Quy trình, thủ tục để kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP đã rất ổn.

Ông Thắng nói, tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đang có quy mô 8 làn xe, sẽ đầu tư đồng bộ. Còn  từ Trung Lương đi Mỹ Thuận sẽ xây dựng theo quy hoạch 6 làn xe.

“Nội dung này Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo rất quyết liệt trong lựa chọn nhà đầu tư để sớm trình Chính phủ xem xét, cho triển khai đoạn tuyến này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng báo cáo.

Hương Giang