Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức khai mạc vào ngày 23/10.

Với 22 ngày làm việc, kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt, trong đó đợt 1 diễn ra từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023. Đợt 2 diễn ra từ ngày 20 đến hết ngày 28/11/2023.

Trong các vấn đề quan trọng được Quốc hội xem xét tại kỳ họp 6 sẽ có nội dung về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương.

Tại buổi họp báo thông tin dự kiến chương trình kỳ họp 6 chiều ngày 19/10, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Xã hội Đinh Ngọc Quý trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Ông Đinh Ngọc Quý cho hay, Hội nghị Trung ương 8 vừa qua đã ban hành nghị quyết và giao Chính phủ trình Quốc hội tiến độ cải cách tiền lương.

Theo kết luận Hội nghị Trung ương 8, lộ trình thực hiện từ 1/7/2024 với tinh thần, quan điểm thực hiện 6 nội dung Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương.

Cụ thể, xây dựng bảng lương mới thay cho bảng lương hiện nay, gồm bảng lương về chức danh lãnh đạo từ Trung ương cho đến cơ sở, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và 3 bảng lương cho lực lượng vũ trang.

Các nội dung tiếp theo là sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay; chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ tiền lương cơ bản không bao gồm phụ cấp; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí để thực hiện chế độ cải cách tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.

“Quan trọng nhất trong 6 nội dung này là nguồn kinh phí để cải cách tiền lương”, ông Quý nhấn mạnh và cho biết, Chính phủ đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí cải cách tiền lương cho giai đoạn 2024 - 2026.

Đặc biệt, theo ông Quý, sau 2024, tức từ 2025 thực hiện tăng có lộ trình 5-7% lộ trình tăng lương đảm bảo mức lương phù hợp tiệm cận khu vực 1 của tư nhân.

Liên quan đến nguồn kinh phí cải cách tiền lương, trước đó, phát biểu khai mạc phiên họp 27 vào ngày 11/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2022 và nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư.

“Trong số này có nguồn rất lớn là 78.000 tỷ đồng bổ sung nguồn cải cách tiền lương”, ông Vương Đình Huệ nói.

Tại phiên họp Chính phủ hồi tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ngân sách Nhà nước đã tiết kiệm được khoảng 500.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương giai đoạn 2024 - 2026.

Hương Giang