Tiếp tục chương trình phiên họp 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, sáng ngày 16/10.

Cán bộ vi phạm, yếu năng lực phải đưa ra khỏi bộ máy

Nêu ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề cập đến việc thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024 theo Nghị quuyết 27 của Trung ương Đảng.

Đây là cải cách tiền lương, chứ không chỉ “tăng lương, tăng thu nhập”, ông Định nhấn mạnh, theo Nghị quyết 27, cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

“Điều chỉnh tiền lương gắn với vị trí việc làm, gắn với tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Từ đó, ông cho rằng, phải tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức; những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh… phải có biện pháp xử lý. Thậm chí, với người vi phạm, yếu năng lực phải đưa ra khỏi bộ máy. 

“Cái này phải làm, chứ không chỉ cải cách tiền lương không”, theo quan điểm của ông Nguyễn Khắc Định.

Đồng tình cải cách tiền lương theo lộ trình, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị quan tâm đảm bảo thu nhập cho cán bộ cơ sở, làm sao để thu nhập cán bộ cơ sở tương xứng với nhiệm vụ, trách nhiệm. “Cần tránh nhiệm vụ như nhau, nhưng thu nhập cán bộ cơ sở nơi cao, nơi thấp”, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm góp ý.

leftcenterrightdel
 Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc

Thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024 là một trong những nội dung sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 6, dự kiến khai mạc vào ngày 23/10. Đây cũng là một trong những nội dung đã được Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII thảo luận.

Phát biểu khai mạc phiên họp 27 vào ngày 11/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2022 và nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư.

“Trong số này có nguồn rất lớn là 78.000 tỷ đồng bổ sung nguồn cải cách tiền lương”, ông Vương Đình Huệ nói.

Tại phiên họp Chính phủ hồi tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ngân sách Nhà nước đã tiết kiệm được khoảng 500.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương giai đoạn 2024 - 2026.

Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn thuộc lĩnh vực nội vụ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin, Chính phủ đề xuất lộ trình cải cách tiền lương với 6 nội dung, thực hiện từ ngày 1/7/2024. 

Cụ thể gồm: Xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.

Sau năm 2024 tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 27.

Sắp xếp huyện, xã phải “rất khẩn trương”

Bên cạnh cải cách tiền lương, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, năm 2024 là năm tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Dự kiến, có 35 huyện và trên 1.000 xã thuộc diện phải sắp xếp.

Việc này, Bộ Chính trị đã có nghị quyết và kết luận; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết, Chính phủ đã có kế hoạch triển khai toàn quốc.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định, hiện nay, một số địa phương đang chậm tiến độ, nên cần phải “đôn đốc, đẩy mạnh, có giám sát, quán triệt”.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo rồi, giao Ủy ban Pháp luật là cơ quan đầu mối. Chúng tôi sẵn sàng tham gia cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan, sẵn sàng cử người về hỗ trợ về thủ tục để làm sao quý III trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quý IV bắt đầu thực hiện”, ông Định nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, quý I năm 2025 bắt đầu Đại hội Đảng bộ cấp xã, quý II năm 2025 cấp huyện. “Nếu không sắp xếp xong sẽ ảnh hưởng ngay đến công tác kiện toàn tổ chức bộ máy nhiệm kỳ tới, nên phải rất khẩn trương”, ông Định nhấn mạnh.

Việc nữa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tiến hành giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập. 

Ông Định dẫn báo cáo của Chính nêu các cơ chế chính sách với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được hoàn thiện đồng bộ, nhiều văn bản hiện nay đang chậm. Ví dụ danh mục đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách Nhà nước; định mức kinh tế kỹ thuật; khung giá với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công…

“Doanh nghiệp đổi mới nhiều, bộ máy hành chính đổi mới nhiều nhưng đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều văn bản chưa ban hành kịp tiến độ”, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu và đề nghị, Chính phủ cần đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật lĩnh vực này.

Hương Giang