Ngày 5/4, đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về Dự luật Đấu thầu (sửa đổi). Vấn đề mua sắm thuốc, vật tư y tế quy định trong dự thảo luật vẫn là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đấu thầu tập trung với cả thuốc men, vật tư “số lượng rất ít, rất hiếm”

Tại Điều 53, dự thảo luật quy định việc mua sắm tập trung được áp dụng khi đáp ứng các điều kiện: Hàng hóa dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng mua sắm tập trung do các cơ quan quy định.

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn với quy định trên.

“Tôi đề nghị đấu thầu tập trung phải thực hiện với hàng hóa, thuốc men, vật tư với số lượng rất nhỏ, rất ít, rất hiếm vì như vậy mới đấu thầu được, có nhà cung cấp”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Theo ông Trí, khi số lượng quá ít mà từng đơn vị bệnh viện mua thì “không ai bán cả”. Cạnh đó, một số loại thuốc hiếm cũng cần được đấu thầu mua sắm tập trung để phục vụ cho bệnh nhân tất cả các bệnh viện, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Ông dẫn lại thông tin về một số phác đồ điều trị Viện Huyết học - Truyền máu đã phổ biến cho các bệnh viện nhưng không có thuốc nên buộc bệnh nhân phải "kéo nhau tập trung về bệnh viện tuyến trên, dẫn đến quá tải.

Đại biểu TP Hà Nội cho rằng, việc đấu thầu tập trung cả số lượng ít và thuốc hiếm, cũng hạn chế được tiêu cực cho cả người mua lẫn bệnh nhân.

“Cuối cùng mới đảm bảo an toàn cho giám đốc bệnh viện khi thực thi công việc, khỏi bị sa sẩy vào chuyện nọ, chuyện kia”, ông Trí nhấn mạnh và nhắc lại đề nghị đấu thầu thuốc ít, thuốc hiếm cần được thực hiện ở cơ quan cấp bộ để cung cấp cho bệnh viện cả nước.

“Đây là vấn đề quan trọng nhất mà trong thực tiễn bị vướng cái này”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về Dự luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: P.Thắng

Cần quy định rõ, khả thi việc mua sắm thuốc men, vật tư y tế

Vấn đề nữa được đại biểu đoàn Hà Nội đề cập là việc mua sắm thuốc men, vật tư y tế. Theo ông Trí, đây là hoạt động “dễ sai sót, rất hay bị lợi dụng, tiêu cực”, do đó, ông rất mong Quốc hội xem xét quy định chặt chẽ, rõ và khả thi.

“Nếu được mong ban soạn thảo quy định dễ hiểu, đặc biệt là về giá để khi áp dụng vào thực tiễn không bị lúng túng, bị sai”, đại biểu Hà Nội kiến nghị.

Cũng liên quan đến mua sắm thuốc men, vật tư y tế, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) tán thành khi dự thảo luật bổ sung quy định đấu thầu hóa chất đi kèm với sử dụng máy đặt, máy mượn để xét nghiệm tại các bệnh viện. “Việc bổ sung quy định này giúp tháo gỡ những vướng mắc thực tế hiện nay khi các cơ sở y tế không đủ nguồn lực để có thể đấu thầu hóa chất cùng với máy xét nghiệm”, ông Mai nói.

Tuy nhiên, hình thức đấu thầu cũng có nhược điểm rất khó kiểm soát giá dịch vụ khi xét nghiệm. Vì vậy, ông Mai tán thành quy định của dự thảo luật theo hướng cho phép thực hiện hình thức đấu thầu này trong thời hạn 5 năm kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành để các cơ sở y tế có thời gian xử lý các vấn đề tồn tại hiện nay.

Sau thời gian này, các cơ sở y tế phải chuyển sang các hình thức đấu thầu khác theo quy định của luật này để đảm bảo tính minh bạch.

Đề nghị cho đàm phán giá với thiết bị y tế

Đại biểu Lê Văn Khảm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Quốc hội, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu cho đàm phán giá với thiết bị vật tư y tế thay vì chỉ đàm phán với thuốc biệt dược hoặc thuốc có 1-2 nhà sản xuất.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lê Văn Khảm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội. Ảnh: P.Thắng

“Thiết bị y tế thường là các máy móc có yêu cầu rất cao về kỹ thuật, chẳng hạn như trong lĩnh vực ung thư có máy xạ trị, nội soi, can thiệp tim mạch, siêu âm…. thường chỉ có 1 đến 2 hãng sản xuất hoặc bán hàng tại Việt Nam”, ông Khảm lý giải.

Tương tự, vật tư y tế sử dụng trong điều trị bệnh cũng có những sản phẩm độc quyền, thường là sản phẩm có tính phát minh.

“Quý vị chắc rất quen với stent (ống đỡ) động mạch, Nếu stent thông thường chỉ khoảng 20 đến 30 triệu đồng nhưng một nhà sản xuất chỉ phát minh ra một stent phủ thuốc có thể đắt gấp 2, gấp 3 lần, từ 20 triệu lên tới 70 triệu đồng”, đại biểu dẫn chứng.

Từ đó, đại biểu Khảm cho rằng, cần phải có cơ chế đàm phán giá để mua sắm với giá tốt nhất.

“Điều này có lợi cho cả bệnh nhân và cho Quỹ Bảo hiểm y tế. Bởi vì chi phí mua sắm thiết bị, vật tư y tế chính là yếu tố hình thành nên giá dịch vụ khám, chữa bệnh và chi phí khám, chữa bệnh”, ông Khảm nêu.

Dự thảo Luật Đấu thầu tại Điều 28 quy định hình thức đàm phán giá được áp dụng riêng đối với "các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; thuốc, dược liệu chỉ có từ 01 đến 02 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác”.

Hương Giang