Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách dành thời gian thảo luận một số vấn lớn về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chiều qua (6/4) và sáng nay (7/4).

Sửa Luật Đất đai lần này có giảm khiếu kiện không?

Phát biểu ý kiến, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (đoàn Cà Mau) nêu loạt câu hỏi: Hiện 70% khiếu kiện liên quan tới đất đai, sửa luật lần này, cơ quan soạn thảo đánh giá tác động xem giảm khiếu kiện như thế nào khi triển khai luật?

Nghiên cứu dự thảo luật, ông Minh thấy một số điều quy định khác nhau nên thực thi sẽ khác nhau và làm tăng nguy cơ khiếu kiện. Chẳng hạn, Điều 10 quy định phân ra rất nhiều loại đất, nhưng Điều 117 quy định chỉ có một số loại đất được chuyển đổi mục đích sử dụng. 

Cạnh đó, theo đại biểu, chênh lệch lợi tức từ việc chuyển đổi các loại đất không phải đất ở sang đất ở rất lớn, nhất là khu vực đô thị, có nơi chênh lệch hàng chục triệu/m2. 

Ông Minh nhận xét, phần lợi tức này chủ yếu doanh nghiệp bất động sản được hưởng. "Nó cũng trả lời cho câu hỏi hầu hết các đại gia của ta đều kinh doanh bất động sản và nhà thầu".

"Sửa luật lần này có phân phối phần lợi tức, tức là địa tô đất cho toàn dân theo Hiến pháp hay không?”, đại biểu Minh hỏi và nói, đất đai là sở hữu toàn dân, hướng điều tiết lợi tức như thế nào chưa thấy trong dự thảo luật. 

Dẫn thông tin hiện Trung Quốc đang có 80 triệu ngôi nhà chưa được bán, chưa kể bán nhưng chưa được ở, ông Minh tiếp tục đặt câu hỏi, sửa Luật Đất đai lần này có giảm được “đầu cơ” bất động sản, “bóng bóng” bất động sản để tạo nguồn lực cho sản xuất hay không? 

“Đề nghị có đánh giá xem nước ta có bao nhiêu ngôi nhà chưa được bán, chưa được ở, nhằm tránh hệ quả tăng trưởng dựa vào bất động sản”, đại biểu đoàn Cà Mau nêu.

Cần quy định để Nhà đầu tư dễ tiếp cận đất đai, tận dụng “thời cơ vàng”

Vấn đề nữa, ông Minh đặt vấn đề: Sửa đổi luật lần này có tạo điều kiện cho nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai để sản xuất nhằm tận dụng cơ hội ngàn năm của đất nước về “dân số vàng, địa điểm vàng, thời cơ vàng cho các đại bàng cũng như chim sẻ về làm tổ hay không?”. 

Theo ông, hiện nay đất cho sản xuất, kinh doanh vẫn quy định 1 quy trình như đất ở bao gồm quy hoạch, chuyển đổi, giấy phép... rất mất nhiều thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp. 

Để giảm khó khăn, chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ông Minh đề nghị có 1 điều quy định riêng về đất chuyển đổi sang mục đích sản xuất kinh doanh theo hướng linh hoạt, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. 

Liên quan đến quyền và trách nhiệm của Nhà nước - đại diện chủ sở hữu về đất đai cũng là vấn đề được đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) quan tâm.

Theo bà An, chính sách, pháp luật đất đai hiện hành chưa có các quy định cụ thể để điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất đối với từng loại dự án bị tác động bởi các yếu tố đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng, quy hoạch hay chuyển mục đích sử dụng đất. Điều này tạo ra bất bình đẳng giữa những người dân phải di dời để triển khai dự án với người dân không phải di dời.

“Những người dân bị di dời được bồi thường đôi khi không thỏa đáng, mất việc làm, sinh kế bị ảnh hưởng và hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ dự án. Trong khi, giá trị đất đai của các hộ dân không bị di dời có giá trị tăng thêm rất lớn”, bà An nói.

Vì vậy, đại biểu đoàn Long An đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể, cách thức xác định phần điều tiết giá trị tăng thêm từ đất, hoặc giao cho Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết, cụ thể để tăng tính khả thi của quy định trong thực tế.

leftcenterrightdel
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: P.Thắng 

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thì đề nghị tách bạch rõ ràng việc thu hồi đất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng với thu hồi đất thực hiện dự án thương mại, khu đô thị mới.

“Dự án thương mại, khu đô thị mới là nhà đầu tư kinh doanh, cho nên nhà đầu tư phải thỏa thuận với người dân. Nhà nước nên hạn chế thu hồi đất để thực hiện các dự án thương mại, khu đô thị.  Tất nhiên, chúng ta phải quy định cụ thể để xác định những trường hợp thu hồi đất sao cho rành mạch, rõ ràng”, ông Hòa nêu quan điểm.

Đề nghị người tái định cư được quyền chọn chỗ ở 

Liên quan đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh nơi tái định cư phải bảo đảm hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng bộ theo quy hoạch.

Ông cũng đề nghị, người tái định cư được quyền chọn chỗ ở trong cùng một địa bàn, cấp quận, cấp huyện để người dân có nhu cầu thiết thực. 

leftcenterrightdel
 

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nói, dự thảo cũ quy định người dân sau khi tái định cư phải có thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, thì khó đảm bảo hoặc định giá được.

Theo ông, dự thảo quy định “cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” hoàn toàn có thể, bởi cuộc sống tốt hơn không nhất thiết là phải thu nhập tốt hơn.

“Những người cuộc sống ở ven sông, kênh rạch, người ta thu nhập tốt, người ta di dời vào đất liền làm vườn, nuôi trồng, thu nhập không bằng nhưng cuộc sống tốt hơn, ổn định hơn, con cái được đến trường", ông Huân ví dụ và cho rằng cuộc sống tốt hơn còn xét trên nhiều chỉ tiêu, không chỉ thu nhập.

Trước đó, chiều qua (6/4), báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, cơ quan soạn thảo đã rà soát, sửa đổi theo hướng bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và đúng quy định pháp luật.

Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, cây trồng, vật nuôi, chi phí đầu tư. “Giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án thu hồi, tái định cư”, Phó Thủ tướng nói.

Ông Hà cũng khẳng định, cơ quan soạn thảo đã chú trọng quy định khu tái định phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch. 

“Đặc biệt xem xét trường hợp nếu thu hồi đất ở trung tâm, phải tính toàn phương án bồi thường ở vị trí tương đối hoặc có điều kiện tương tự, xen kẽ trong khu dân cư chứ không đưa tít ra ngoại ô”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hương Giang