Chiều ngày 12/5, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP HCM.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, trong khi đó tuyến Vành đai 3 TP HCM sơ bộ khoảng 75.378 tỷ đồng.

Tính chung 2 dự án này thì tổng mức đầu tư sơ bộ là 161.191 tỷ đồng. Trong đó, dự án Vành đai 3 TP HCM hoàn toàn sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư. Còn dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có 56.403 tỷ đồng vốn đầu tư công và 29.410 tỷ đồng vốn BOT.

Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn với tính “hiệu quả trong phân bổ nguồn lực đầu tư công” vì ngoài 2 dự án trên thì tại kỳ họp thứ 3, Chính phủ cũng sẽ trình 3 dự án cao tốc khác.

“Tính toán vốn liếng phải tuân thủ khung đã có vì kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021 - 2025) đã quyết rồi, gói kích thích kinh tế cũng quyết rồi”, ông Vương Đình Huệ nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu dồn hết vào các dự án này thì nhiều địa phương, nhiều dự án sẽ không còn nguồn vốn để thực hiện. Vì vậy, ông đề nghị khi tính toán trình dự án phải đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

“Các đồng chí quyết tâm thì hoan nghênh, nhưng phải cam kết và chịu trách nhiệm”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đồng tình với sự cần thiết của việc triển khai đầu tư 2 dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP HCM.

Với dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, ông Vương Đình Huệ đề nghị giãn tiến độ 1 năm để cơ bản hoàn thành vào năm 2026 thay vì năm 2025 như tờ trình của Chính phủ nhằm giãn tiến độ bố trí vốn giúp giảm áp lực cho địa phương, Trung ương cũng còn vốn để phân bổ cho một số dự án quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội cũng cơ bản đồng tình với việc áp dụng cơ chế đặc thù để triển khai đầu tư 2 dự án này.

Với đề nghị cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để các địa phương vay lại đầu tư dự án, ông Huệ đề nghị các địa phương nên tự phát hành trái phiếu. “Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được sao chính quyền địa phương không làm được. Các đồng chí cứ thực hiện theo luật. Quá trình làm có gì khó khăn vướng mắc bộ, ngành tập trung tháo gỡ. Việc này cũng sẽ giúp hình thành thị trường vốn từ Trung ương tới địa phương”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Theo dự kiến chương trình, 2 dự án này sẽ được trình ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 3, khai mạc vào ngày 23/5.

- Dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội: Theo tờ trình của Chính phủ, tổng chiều dài tuyến khoảng 112,8 km với quy mô 4 làn xe, đi qua Hà Nội (58,2 km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (25,6 km).

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn một khoảng 85.813 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 28.200 tỷ đồng; ngân sách địa phương 28.203 tỷ đồng và nguồn vốn BOT 29.410 tỷ đồng. Dự án được đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

- Dự án đường vành đai 3 TP.HCM có quy mô khoảng 76,3km, 4 làn xe cao tốc hạn chế, đi qua TP HCM 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km.

Tổng mức đầu tư sơ bộ dự án là 75.378 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 38.741 tỷ đồng; ngân sách địa phương 36.637 tỷ đồng. Dự án chia làm 8 dự án thành phần.

Chính phủ dự kiến năm 2022 chuẩn bị dự án, năm 2023 khởi công xây dựng và cơ bản hoàn thành năm 2025, hoàn thành toàn bộ vào năm 2026, quyết toán năm 2027. 

Hương Giang