Sáng 3/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, vừa qua, 25 đoàn công tác của các thành viên Chính phủ đã làm việc với các địa phương.

Vì vậy, Chính phủ mời lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp để có thêm thông tin, đánh giá về tình hình trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khó khăn, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các đại biểu phân tích kỹ những mặt đã làm được, những mặt còn hạn chế, khó khăn, thách thức, chỉ ra nguyên nhân để có giải pháp xử lý, tháo gỡ.

Nhận diện doanh nghiệp đang đối mặt với 3 khó khăn, thách thức lớn

Báo cáo gửi Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm (4 tháng tăng 3,84%) dù đã điều chỉnh giá điện tăng 3% từ ngày 4/5.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 2,2% so với tháng trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 2,9%.

Dù vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thu hút FDI… tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tính chung 5 tháng, có hơn 88 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng cũng có khoảng 95 nghìn doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường.

“Điều này cho thấy có dấu hiệu tích cực”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận. Theo ông, qua thảo luận tại Quốc hội và kết quả làm việc với doanh nghiệp, hiệp hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Ba khó khăn, thách thức lớn đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra. Đầu tiên là, khó khăn về dòng tiền, khả năng tiếp cận vốn vay, nhất là vốn lưu động cho sản xuất - kinh doanh.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đến ngày 29/5 chỉ tăng 3,08% (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,93%). Có nghĩa, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng vay hoặc chưa muốn vay do sản xuất - kinh doanh đình trệ, không có lãi. Mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao; thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng chậm.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Ảnh: N.Bắc

Khó khăn tiếp theo là thị trường, nhất là các nhóm hàng chủ lực như điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, đồ gỗ…

Thứ ba, thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhiều nhưng chưa thông thoáng, làm tăng chi phí cho sản xuất - kinh doanh. “Trong một số trường hợp, chính sách, quy định mới ban hành lại xuất hiện rào cản mới, thủ tục mới”, ông Dũng nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, những vấn đề doanh nghiệp, nền kinh tế đang phải đối mặt hiện nay rất khác biệt so với giai đoạn 2008-2013.

Theo ông, những khó khăn được cộng hưởng bởi tác động nhanh, mạnh, cùng thời điểm của nhiều yếu tố, như nền kinh tế có độ mở lớn, chịu ảnh hưởng mạnh từ bên ngoài.

Năng lực, sức chống chịu của doanh nghiệp đã tới hạn do tác động kéo dài của dịch Covid-19; chính sách tiền tệ đột ngột thắt chặt, làm giảm nhu cầu tại các thị trường lớn của nước ta, gây áp lực lên tỷ giá…

Cùng với đó là một số vấn đề như ngân hàng, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài, thị trường đầu vào, đầu ra xuất nhập khẩu… đồng thời bộc lộ rõ nét hơn.

Để tháo gỡ khó khăn kịp thời, ông Dũng cho rằng, cần có các giải pháp để tổ chức, thực thi một cách quyết liệt, tổng thể và đồng bộ từ tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại gắn với thời gian, phạm vi cụ thể.

Hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm, vẫn “trong khả năng kiểm soát”

Doanh nghiệp “lao đao” nên lao động, việc làm cũng gặp nhiều thách thức. Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, 5 tháng đầu năm có hơn nửa triệu lao động bị ảnh hưởng việc làm; trong đó, số lao động bị mất việc, thôi việc là 279.409 người (chiếm 54,79%).

Tình trạng lao động bị mất việc, giãn việc chủ yếu tập trung tại một số tỉnh, TP lớn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương…

Phân loại cụ thể hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay số lao động mất việc làm tập trung tại các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ.

Trong đó lao động ngành Dệt may là 68.782 người, da giày 31.653 người, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là 45.075 người.

“Việc cắt giảm lao động hiện tại mang tính cục bộ, vẫn trong khả năng kiểm soát”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận.

Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý, nếu khó khăn về thiếu đơn hàng, thiếu nguyên vật liệu, giá năng lượng không được giải quyết thì số lượng lao động phải cắt giảm việc làm sẽ tăng cao, lan rộng sang các ngành nghề khác trong thời gian tới.

Báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề cập đến khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng 5. Cụ thể, tỷ lệhộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 94,8%; tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm và không biết là 5,2%.

Các nguyên nhân chính làm cho thu nhập giảm được các hộ gia đình đánh giá là do: có 40,7% hộ gia đình có thành viên mất việc làm/tạm nghỉ việc; 27,3% hộ đánh giá do chi phí đầu vào cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ tăng và 19,8% hộ đánh giá do giá bán các sản phẩm từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ giảm.

Về những tác động tiêu cực của yếu tố bên ngoài, các hộ gia đình đã chỉ ra: 31,3% hộ đang phải chịu những ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao; 6,3% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với con người và 2,1% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng.

“Tăng trưởng kinh tế có thể tích cực hơn trong quý II”

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, các khó khăn, thách thức lớn cơ bản đã được xác định, doanh nghiệp đã chủ động thích ứng, có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm, nhiều dự án quy mô lớn, quan trọng đã được đưa vào sử dụng…

Đây là những yếu tố thuận lợi, hỗ trợ cho tăng trưởng của quý II và cả năm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tháng 5 tiếp tục có chuyển biến so với tháng 4 và quý I. Tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể tích cực hơn trong quý II.

Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong hai năm 2023 - 2024, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,5% và 6,6%; Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức tăng là 6,3% và 6,5%; Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng 5,8% và 6,9%. 

Hương Giang