Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi, sáng nay (28/5).

Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 153 điều (trong đó, bỏ 2 điều, bổ sung 2 điều, ghép điều 142 vào điều 143, giảm 1 điều so với dự thảo TAND Tối cao trình Quốc hội). 

Chỉ đổi tên tòa án sẽ phát sinh nhiều chi phí

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ quan điểm về “đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử”. Đây là nội dung còn có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận, cho ý kiến.

Theo cơ quan thường trực của Quốc hội, đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các tòa án được dự kiến đổi mới này không thay đổi.

Các tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh; TAND phúc thẩm vẫn xét xử, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm một số vụ án, vụ việc.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định như dự thảo luật chưa đáp ứng chủ trương của Nghị quyết 27 về “hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử”; …“bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử”; không thống nhất về tổ chức của các cơ quan tư pháp khác ở địa phương.

Mặt khác, phải sửa đổi nhiều luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Việc này cũng đồng thời phát sinh nhiều chi phí khác như: Sửa con dấu, biển hiệu, các loại biểu mẫu, giấy tờ...

“Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên quy định của luật hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện”, báo cáo nêu.

Do đại biểu Quốc hội còn có ý kiến khác nhau và TAND Tối cao tiếp tục đề nghị đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Cụ thể: Phương án 1 quy định TAND tỉnh và TAND huyện (như quy định của luật hiện hành). Phương án 2 quy định TAND sơ thẩm và TAND phúc thẩm (như đề nghị của TAND Tối cao).

Trình 2 phương án về ghi âm, ghi hình tại phiên toà

Tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp cũng là nội dung còn ý kiến khác nhau.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng tại phiên tòa, việc ghi âm, ghi hình ảnh phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật.

Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố, nhưng chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh… Các thông tin, chứng cứ này cần được hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét, kết luận trong bản án, quyết định.

Quy định về ghi âm lời nói, ghi hình tại phiên tòa còn góp phần bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho HĐXX điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.

Do vậy, đa số ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý khoản 3, khoản 4 Điều 141 dự thảo luật theo hướng: việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

Đồng thời, bổ sung quy định: tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn khi cần thiết và việc cung cấp kết quả ghi âm, ghi hình được thực hiện theo quy định của pháp luật; giao Chánh án TAND Tối cao quy định chi tiết khoản này.

Ý kiến khác cho rằng, quy định về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp trong dự thảo luật là hẹp hơn so với quy định của các luật tố tụng. Để tạo thuận lợi cho hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, ý kiến này đề nghị giữ như quy định hiện hành.

Vì vậy, dự thảo đang thể hiện theo hai phương án trình xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Thẩm phán TAND có 2 ngạch

Liên quan đến ngạch, bậc thẩm phán, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng khác với công chức hành chính khác, thẩm phán do Chủ tịch nước bổ nhiệm, là chức danh tư pháp đặc thù, trực tiếp xét xử và phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình khi xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.

Để góp phần nâng cao niềm tin đối với thẩm phán; khuyến khích thẩm phán phấn đấu, yên tâm công tác, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội quy định thẩm phán TAND gồm 2 ngạch: Thẩm phán TAND Tối cao và thẩm phán.

Do dự thảo luật quy định ngạch thẩm phán TAND Tối cao và ngạch thẩm phán nên cần thiết phải quy định các bậc thẩm phán để xác định thẩm quyền xét xử tại từng cấp tòa án và sắp xếp vị trí việc làm theo Nghị quyết 27 về chính sách cải cách tiền lương…

Theo đó, dự thảo luật đề nghị chỉnh lý theo hướng giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về bậc thẩm phán, tiêu chuẩn, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao.

Vấn đề nữa, theo quy định của dự thảo luật, thẩm phán TAND Tối cao làm việc đến khi nghỉ hưu. Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 5 năm, thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định trên là tiếp tục đổi mới về nhiệm kỳ thẩm phán và thể chế hóa Nghị quyết 27: “Đổi mới… thời hạn bổ nhiệm… nhất là đối với đội ngũ thẩm phán”.

“Quy định này không ảnh hưởng đến sự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của thẩm phán; tạo điều kiện để thẩm phán thực sự yên tâm công tác, góp phần bảo đảm nguyên tắc khi xét xử thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; giảm thủ tục, thời gian thực hiện quy trình bổ nhiệm lại”, theo cơ quan thường trực của Quốc hội.

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thẩm phán chịu sự giám sát của Nhân dân, cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định. Thẩm phán có vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị miễn nhiệm, cách chức theo quy định của dự thảo luật.

Thẩm phán kết án oan người vô tội thì bên cạnh xử lý trách nhiệm, còn phải thực hiện trách nhiệm bồi hoàn theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

“Quy định thời hạn bổ nhiệm lần đầu 5 năm đối với thẩm phán là cần thiết, bảo đảm thận trọng, giúp thẩm phán tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm”, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm và đề nghị giữ như quy định của dự thảo luật.

Hương Giang