Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên sáng 17/4. Đây là dự án luật mới, được Quốc hội khóa XV đưa vào chương trình.

Có nên quy định hình phạt và tố tụng thân thiện?

Luật Tư pháp người chưa thành niên điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Theo đó, dự thảo luật quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt.

Dự thảo luật cũng quy định thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, ủy ban có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành dự thảo luật quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với với người chưa thành niên.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị dự thảo luật không quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên.

Nêu ý kiến, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu tán thành với loại ý kiến thứ nhất. Điều này xuất phát từ đặc điểm người chưa thành niên là người chưa trưởng thành về mọi mặt.

“Trong quan hệ pháp luật, người chưa thành niên được coi là yếu thế, cần được pháp luật bảo vệ đặc biệt”, bà Thanh nhấn mạnh.

Thêm nữa, theo bà Thanh, Quốc hội khóa XV quyết định xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên. Với tư cách là một đạo luật chuyên biệ, 2 vấn đề quan trọng nhất của tư pháp người chưa thành niên là hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự.

“Tôi cho rằng cần điều chỉnh 2 nội dung này trong luật, tạo cơ sở cho việc thiết kế các hình phạt, cũng như các thủ tục tố tụng phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên, khắc phục được những bất cập của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành”, Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu ý kiến.

Chung quan điểm, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chọn phương án 1.

Không có hình phạt với tố tụng thân thiện thì dự thảo luật là "sản phẩm khuyết tật"

“Tôi thấy ý kiến phát biểu của các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ rất thuyết phục. Thậm chí có những nội dung thuyết phục hơn cả tờ trình của TAND Tối cao”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

Giải trình thêm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, nếu không có hình phạt và tố tụng thân thiện thì không hình thành được bộ luật về tư pháp người chưa thành niên theo đúng quan điểm của Đảng và Hiến pháp.

“Cả thế giới này không có bộ luật nào chỉ có biện pháp mà không có hình phạt và tố tụng hình phạt”, ông Bình nói.

Chánh án cho rằng, nếu Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là thành tựu, là bước tiến của nền tư pháp và của Quốc hội thì sản phẩm đưa ra phải "trọn vẹn, không nên có một sản phẩm khuyết tật”.

“Không có hình phạt với tố tụng thân thiện thì đây là một sản phẩm khuyết tật, không giống một luật nào trên thế giới này và cũng không nên để mất thời gian của Quốc hội khi đưa ra một đạo luật khuyết tật như thế”, theo lời Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình thẳng thắn chia sẻ, nếu trình một dự án luật “khuyết tật” thì "chúng tôi cảm thấy xấu hổ". Bởi, người ta sẽ đánh giá cơ quan trình một bộ luật không trọn vẹn, không biết trình kiểu gì mà ra đạo luật như thế.

Ở vị trí điều hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị TAND Tối cao tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật với phạm vi theo đúng 6 chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Tức là, bao gồm cả về hình phạt, tố tụng hình sự và các vấn đề khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận loại ý kiến thứ 2 của Ủy ban Tư pháp. Ông Định đề nghị Ủy ban Tư pháp tiếp tục hoàn chỉnh và báo cáo để Quốc hội thảo luận, xem xét.

Theo dự kiến, dự luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 7 vào tháng 5 tới.

Hương Giang