Chiều ngày 21/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; điều chỉnh chương trình năm 2021.

Sốt ruột vì chưa thấy sửa Luật Đất đai

Cho ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (tỉnh Kiên Giang) bày tỏ sự sốt ruột khi Luật Đất đai đã được đưa vào chương trình nhiều năm trước, nhưng vẫn lùi thời gian và đến giờ vẫn chưa được sửa đổi.

Dự kiến, dự án luật này được đưa vào chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thứ 4 (tháng 10/2022) để thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Nữ đại biểu nhận định, như vậy có thể đầu năm 2024 mới có hiệu lực thi hành và chờ văn bản thì có thể kéo dài tới cuối nhiệm kỳ. Trong khi, dự luật này cần thiết sửa đổi để khắc phục những bất cập trong quản lý đất đai hiện nay.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: Đ.X 

Từ đó, theo đề nghị của đại biểu Bé, cần đưa dự án này vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2021 để tiến độ sửa đổi sớm hơn.

Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) nhấn mạnh, sửa Luật Đất đai là mối quan tâm của các đại biểu và người dân, đặc biệt là việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, cũng như quản lý đất đai để không bị lãng phí, hiệu quả.

Nhất trí đưa và chương trình kỳ họp thứ 3 để Quốc hội cho ý kiến, nhưng theo đại biểu đoàn Khánh Hoà, cuối năm 2022 phải ban hành được Luật Đất đai sửa đổi mới thể hiện được quyết tâm của Quốc hội về một vấn đề nóng bỏng phải sửa.

Đưa dự án Luật Đất đai vào chương trình là “cố gắng lớn”

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nêu thực tế, ở nhiều địa phương, doanh nghiệp đã giải toả công trình đền bù nhưng đang vướng bởi Luật Đất đai, Luật Đấu thầu. Cho nên, nếu kéo dài sửa luật Đất đai thì hàng trăm nghìn tỷ ứ đọng, doanh nghiệp gặp tình trạng nguy hiểm.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, cần sớm sửa đổi luật này. “Nếu không kịp trình thì Quốc hội phải đưa ra nghị quyết để giải toả bức xúc của doanh nghiệp”, đại biểu đoàn Thái Bình nêu.

Liên quan đến Luật Đất đai, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận định, đây là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng. Do đó, cơ quan này dự kiến đưa dự án luật này vào chương trình trình Quốc hội theo quy trình ba kỳ họp (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, thứ 4; thông qua tại kỳ họp thứ 5).

“Quá trình chuẩn bị, nếu chất lượng dự án tốt và tiến độ chuẩn bị nhanh hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình tại hai kỳ họp”, ông Tùng báo cáo.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Đ.X

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, việc đưa Dự án Luật Đất đai vào chương trình để cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 5/2022 là “cố gắng lớn”. Theo ông Long, việc xây dựng dự thảo luật này phải chờ nhiều quyết sách của cơ quan có thẩm quyền, không đơn thuần chỉ pháp lý mà còn là vấn đề chính trị.

Cần có Nghị quyết khẩn cấp về phòng, chống dịch COVID-19

Một vấn đề nữa, được các đại biểu đề cập đến tại phiên thảo luận là cần tạo hành lang pháp lý để yên tâm chống dịch COVID -19.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội), Quốc hội cần có Nghị quyết khẩn cấp về phòng, chống dịch COVID-19.

“Nhân dân cần có nghị quyết để đồng lòng hơn, quyết tâm hơn trong phòng chống dịch. Chính phủ cần có nghị quyết của Quốc hội để thực hiện hiệu quả hơn, thể hiện quyết tâm chống dịch của Việt Nam”, đại biểu Trí nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, cần sớm có văn bản của Quốc hội, không chỉ có quy định mua sắm về máy móc thiết bị, mà còn nhiều vấn đề như xử phạt thì cần mạnh dạn tăng hình phạt khi vi phạm quy định trong phòng chống COVID-19; liên quan đến nhân lực, tài chính, chính sách nhân lực, đội ngũ tham gia vào cuộc chiến phòng chống dịch.

Đồng tình, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định), cần hơn nữa hành lang pháp lý để yên tâm chống dịch, không vì thủ tục rườm ra mà tặc lưỡi bỏ qua.

Theo ông Hiếu, Luật Khám chữa bệnh đã bộc lộ nhiều bất cập. Trong bối cảnh dịch COVID-19 việc khám chữa bệnh từ xa được thực hiện, nhưng do chưa có luật khung hướng dẫn, nên chưa thể triển khai thực hiện, vướng mắc về triển khai khám chữa bệnh, kê đơn của bác sĩ. Từ đó, đại biểu đề nghị đưa vào chương trình khung để có kế hoạch sửa đổi.

Lùi thời gian trình Dự án Luật Thanh tra sửa đổi sang giữa năm 2022

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để nghị bổ sung Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vào chương trình kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) để Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.

Đồng thời, lùi thời gian trình Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Với chương trình năm 2022, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ. Theo đó, đề nghị, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội xem xét thông qua 5 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

4 dự án khác (Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn) thì đề nghị Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, thông qua tại kỳ họp thứ 4. 

Hương Giang