Chiều ngày 22/7, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm; kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025.

Quá tải, thiếu thốn trang thiết bị y tế

Trong bối cảnh đại dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM), cần có những quy định đặc biệt cho tình trạng khẩn cấp như hiện nay.

Nữ đại biểu cũng đề nghị đẩy nhanh đàm phán, mua và tiêm chủng vaccine vì vaccine được coi chìa khoá thoát khỏi dịch bệnh.

“Đến nay hầu hết vaccine có được là mua qua Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam - VNVC và viện trợ, chưa đáp ứng được nhu cầu”, bà Lan nói và cho rằng, Quốc hội họp chính là thời cơ để đưa ra giải pháp tháo gỡ.

Đặc biệt, đại biểu lo lắng khi các những trường hợp mắc COVID -19 chuyển nặng, tử vong. “Tình trạng quá tải, thiếu thốn trang thiết bị là một thực tế”, bà Lan phản ánh, các đơn vị y tế giờ xin nhận hỗ trợ bằng hiện vật chứ không dám nhận tiền vì “nhận tiền rất rủi ro”.

“Chưa nói cố tình tình vi phạm nhưng anh em nhiều khi không nắm được quy định nên không dám giải ngân”, bà Lan nói thêm.

Cùng đoàn với nữ đại biểu, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ “rất đau buồn” khi TPHCM đã có hàng trăm ca tử vong.

“Chúng ta cần cố gắng đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước, giảm tối đa thủ tục hành chính để nhanh chóng đưa vaccine “nội” vào sử dụng. Các nước hiện đã triển khai tiêm mũi thứ 3 mà chúng ta cứ chờ nguồn nước ngoài thì càng khó khăn hơn”, ông Ngân nói.

Đợt dịch thứ 4 với sự xuất hiện của chủng mới Delta lây nhiễm nhanh khiến nhiều tỉnh, thành phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhất là, dịch đang tác động nghiêm trọng đến TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam.

Đại biểu Nguyễn Đình Việt (đoàn Cao Bằng) cho rằng, nên ưu tiên vaccine cho TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam vì ngăn chặn được cũng góp phần chặn dịch lây lan sang các tỉnh khác.

Song theo ông Việt, tiêm vaccine là chiến lược quan trọng, Chính phủ cần công khai, minh bạch kế hoạch tiêm, cũng như phân bổ vaccine.

Nâng cấp Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp lên thành luật

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, với tình hình dịch COVID -19 đang diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh phía Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo ông, Chính phủ nên nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.

Đại biểu Hùng cho biết, có 3 tình trạng khẩn cấp (tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, tình trạng khẩn cấp về thiên tai và dịch bệnh), nếu ban hành tình trạng khẩn cấp sẽ có thêm nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh; bên cạnh đó, việc mua vật tư y tế, sinh phẩm cũng không phải thông qua đấu thầu.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cũng thấy chưa yên tâm về hành lang pháp lý cho việc chống dịch.

Theo ông Tạo, nói thực hiện theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 nhưng mỗi địa phương áp dụng khác nhau. Trong khi, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm “chưa quét hết”. Vì vậy, ông cho rằng, cần có quy định trong luật này; đồng thời nâng cấp Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp lên thành luật.

Tán thành những giải pháp mạnh mẽ phòng chống dịch mà Chính phủ đã triển khai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường lưu ý, dịch bệnh chưa biết khi nào chấm dứt, nên cần xây dựng kịch bản ứng phó lâu dài.

“COVID -19 sẽ không bao giờ biến mất, nên rất cần có các đề án, phương án cụ thể để tiến đến trạng thái bình thường mới", ông Cường nhấn mạnh.

Ở góc độ xây dựng pháp luật, theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, tới đây công tác này phải vừa “phục vụ phát triển kinh tế xã hội, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh”. Ông Cường dẫn chứng, nhiều quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 không còn áp dụng được được như quy định về công bố dịch, chi phí khám chữa bệnh... nên cần sửa ngay.

Hương Giang