Sáng ngày 22/7, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

Tỷ lệ người dân được tiêm chủng vaccine còn thấp

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, 6 tháng đầu, các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 với biến chủng mới.

Trong nước, đợt dịch thứ 4 với sự xuất hiện của chủng mới Delta đã tác động mạnh đến một số tỉnh, TP phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội và nghiêm trọng đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là TP HCM.

Theo ông Phạm Bình Minh, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn, quyết liệt hơn với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và "bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết"; chuyển trạng thái từ “phòng ngự” sang “tấn công” với chiến lược vaccine và phương châm “4 tại chỗ” đi đôi với tích cực kiểm tra, giám sát.

Cạnh đó, triển khai nhiều giải pháp ngoại giao, thúc đẩy mọi biện pháp có thể để có vaccine sớm nhất, nhiều nhất và tổ chức chiến dịch tiêm chủng kịp thời, khoa học, an toàn, hiệu quả.

Hiện, đại dịch COVID -19 vẫn phức tạp, đã tác động tiêu cực đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Theo ông Minh, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng lên; đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là tại các địa phương bùng phát dịch và thực hiện giãn cách xã hội…

“Trật tự an toàn xã hội có thể diễn biến phức tạp hơn do thiếu công ăn việc làm dưới tác động của đại dịch COVID-19”, lãnh đạo Chính phủ nêu.

leftcenterrightdel
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh 

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng lưu ý, việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Việc triển khai, tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam theo nghị quyết của Quốc hội cũng chậm.

Chiến lược vaccine của nước ta gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp. “Nhiều nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Theo báo cáo, tính đến ngày 13/7, Việt Nam đã nhận được khoảng 8 triệu liều vắc xin và mới tiêm được hơn 4 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Tập trung lực lượng để dập dịch tại TP HCM và các tỉnh đang bùng phát

Thời gian tới, dự báo, đại dịch COVID-19 còn rất phức tạp, có thể xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn, mạnh hơn. “Nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao”, Phó Thủ tướng nói.

Tiếp tục nhấn mạnh tinh thần "chống dịch như chống giặc", “bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết”, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo 5 nhiệm vụ, giải pháp.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên họp ở hội trường Quốc hội. Ảnh: Đ.X

Trong đó, quyết tâm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục thực hiện chủ trương “5K + vaccine”.

“Trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP HCM và một số tỉnh đang bùng phát mạnh”, ông Minh nhấn mạnh.

Kêu gọi người dân tự giác thực hiện các quy định phòng, chống dịch, Chính phủ cũng cho biết, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương triển khai giãn cách, phong tỏa, cách ly linh hoạt, phù hợp, nhưng phải triệt để, hiệu quả, khi cần có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn. Tập trung điều trị các ca bệnh nặng, giảm tối đa các ca tử vong.

“Cần xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên”, ông Vũ Hồng Thanh nêu.

Uỷ ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “quỹ vaccine”; thông tin đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng; công khai xây dựng, đẩy nhanh lộ trình mua, đa dạng hoá nguồn cung và tổ chức tốt việc tiêm vaccine; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, cấp phép và sản xuất vaccine trong nước.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID -19 và chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID -19 với tổng số tiền 168,8 nghìn tỷ đồng.

Hương Giang