Đã có nghị định bảo vệ cán bộ, sao vẫn sợ sai, sợ trách nhiệm?

Đề cập đến Nghị định 73 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang (đại biểu Quốc hội đoàn Đắk Nông) đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn quá trình triển khai thi hành như thế nào.

“Qua thông tin của báo chí thời gian qua, kể cả lãnh đạo các tỉnh cũng nói, tình trạng đùn đẩy, né tránh, không chịu làm, sợ trách nhiệm ngày càng trầm trọng, trong khi đã có Nghị định 73 rồi. Chỗ này, cần phải báo cáo Quốc hội”, ông Giang nói.

Nêu thực tế, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp thì doanh nghiệp vẫn phản ánh việc xử lý thủ tục hành chính còn trì trệ, người thực thi công vụ còn sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy. 

“Có những việc trước đây vẫn quyết mà bây giờ không dám quyết, có nhiều việc cứ hỏi lên cấp trên, hỏi cả sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, theo lời ông Thanh. 

Ông Thanh nhận định, doanh nghiệp mới tăng chậm còn doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều hơn thì tăng trưởng cao hơn rất khó.

Báo cáo cho thấy, GDP năm 2023 đạt 5,05%, quý I/2024 tăng 5,66, ở mức cao so với khu vực và thế giới. Dù GDP của 2023 và quý I tốt nhưng bình quân 3 năm đầu nhiệm kỳ mới trên 5,2%, mà kế hoạch 5 năm mục tiêu là từ 6,5% - 7%. Để “về đích” thì 2 năm cuối, tăng trưởng phải trên 8%. Đây là thách thức, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.

Cũng sốt ruột về tình trạng cán bộ sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đại biểu Quốc hội Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) nói Thủ tướng đã có 4 công điện, Bộ trưởng Nội vụ đã chỉ đạo nhưng “tình hình không có chuyển biến”.

Khi xử lý phải phân loại, đánh giá thì cán bộ mới mạnh dạn hơn

Đặt vấn đề cán bộ “sơ sai, né tránh trách nhiệm nguyên nhân vì đâu?”, đại biểu Sỹ nhắc trước đây, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, trong đó có Viện trưởng Viện KSND Tối cao đều kiến nghị xem xét sửa lại Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015 (tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí).

Điều luật này quy định: Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Mức từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng bị phạt tù 3 năm đến 12 năm; trên 1 tỷ đồng từ 10- 20 năm.

“Chúng ta phải sớm phân loại làm rõ, luật cần bổ sung thêm các yếu tố có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng”, ông Sỹ kiến nghị. 

Ông Sỹ dẫn chứng việc tính giá đất, Bình Thuận có vụ việc lúc đầu tính giá đất hơn 4.000 tỷ đồng, sau tính lần thứ 2 còn 2.900 tỷ đồng, lần thứ 3 còn 2.200 tỷ, lần tư còn 1.500 tỷ đồng. Mà việc này do các cơ quan Trung ương thực hiện.

Hay trong một vụ án hình sự vừa khởi tố, ban đầu từ thất thoát hơn 3.000 tỷ, sau còn hơn 670 tỷ đồng.

Dẫn chứng nữa, theo ông Sỹ, ở Bình Thuận có những dự án rất lớn, như Novaworld gần 1.000ha, chỉ cần 1m2 “lệch” khoảng 100 nghìn đồng thôi là “lệch” không biết bao nhiêu tiền, dù cán bộ không có tiêu cực, tham nhũng. “Rất khó khăn, đây chính là cái dẫn đến anh em sợ không dám làm. Gần như bị khởi tố về tội này rất nhiều, dù không chứng minh được yếu tố vụ lợi”, đại biểu Sỹ nhấn mạnh.

Từ thực tế đó, ông Sỹ cho rằng, quá trình xử lý phải phân loại, đánh giá. Nếu tiêu cực, tham nhũng phải xử lý nghiêm. Còn do quá trình tính toán có thể có sai sót, không có động cơ vụ lợi thì “xem xét xử lý hợp lý hơn”. 

“Như vậy, cán bộ, công chức mới mạnh dạn hơn”, theo nhận định của đại biểu đoàn Bình Thuận.

Ông Sỹ nói thực tế trong xử lý vụ liên quan đến phòng chống dịch COVID-19, chúng ta cũng đã phân loại. Anh nào mua thiết bị, vật tư y tế có thể không đúng nhưng không có động cơ vụ lợi thì xử hành chính. Anh nào tiêu cực, tham nhũng thì xử lý hình sự. 

“Làm được như vậy, có khi mới khắc phục được tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm không dám làm. Nếu không, Nghị định 73, sẽ không được thực hiện trên thực tế”, ông Sỹ nêu.

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp 7 (20/5), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói, một trong những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế là do còn một số cán bộ, công chức chưa chủ động, quyết liệt, có tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...

Cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Kinh tế cũng lưu ý còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc. Đặc biệt, hiện tượng công chức, viên chức xin thôi việc vẫn còn tiếp diễn.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.

Cạnh đó, có ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo rõ việc thực hiện, triển khai Nghị định số 73 đến các cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Hương Giang