Phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ sáng ngày 24/10, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, trong đó cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và tiếp tục trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu.

“Nói điều này không phải tự khen đất nước mình nhưng những kết quả đạt được rất ấn tượng”, Chủ tịch nước nói và cho hay, trong những lần tham gia một số hoạt động đa phương, gặp gỡ một số lãnh đạo các nước, họ cơ bản đánh giá rất cao nỗ lực, kết quả của Việt Nam.

Hạn chế, khó khăn “còn rất nhiều, rất lớn”

Dù vậy, Chủ tịch nước cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn “còn rất nhiều, rất lớn”, trong đó, rất nhiều công việc cần phải giải quyết nhưng khả năng giải quyết của các cơ quan Nhà nước chưa đáp ứng được.

Ông dẫn chứng thị trường bất động sản gần 2 năm qua vô cùng khó khăn. “Chúng ta đã tháo gỡ được dự án nào lớn hay chưa?”, Chủ tịch nước nêu câu hỏi.

Hay thị trường trái phiếu doanh nghiệp, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, ông Võ Văn Thưởng nói, 10 năm qua chưa giải quyết được “ngân hàng 0 đồng” nào ra hồn.

“Thậm chí, đã có chủ trương cơ cấu lại các "ngân hàng 0 không đồng" nhưng đến giờ vẫn chúng ta chưa xử lý dứt điểm được cái nào và điều đó khiến rủi ro tiềm ẩn rất lớn mà hệ quả của nó chưa thể đánh giá một cách đầy đủ”, Chủ tịch nước  nhấn mạnh.

Theo ông, chủ trương có nhiều, kỳ vọng thì rất lớn nhưng khả năng thực hiện lại chậm. “Tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu Quốc hội nói là con đường dài nhất là con đường giữa nói và làm”, Chủ tịch nước dẫn và cho rằng khâu tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu.

Đề cập đến chủ trương phân cấp, phân quyền, ông Võ Văn Thưởng đánh giá, kết quả của việc này “chưa cao, chưa rõ ràng, chưa khích lệ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị”.

“Kết luận của Đảng có nêu phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch theo hướng là từng cấp phải xác định rõ được cái thẩm quyền và trách nhiệm của mình.

Việc này để cấp dưới không đi hỏi cấp trên chuyện của mình và để cấp trên không phải với tay xuống làm những việc của cấp dưới. Khi cần thiết phải hỏi thì phải trả lời là rõ ràng, minh bạch. Nhưng điều này chúng ta chưa thực hiện được”, theo phân tích của Chủ tịch nước.

Ông nói, có nhiều việc quyền hạn không rõ, mà cứ mỗi lần đi hỏi thì mất tối thiểu là 3 tháng, trung bình là 6 tháng và thậm chí có vấn đề 9 tháng để nhận được một văn bản trả lời là “làm theo quy định của pháp luật”.

Chủ tịch nước còn đề cập đến là “tư duy thích ôm đồ quyền trong xây dựng chính sách”.

“Lĩnh vực nào cũng muốn mình có quyền trong lĩnh vực đó. Cho nên nhiều chuyện không chịu phân cấp hoặc kể cả những vấn đề đã thấy rồi nhưng mà phân cấp rất khó khăn. Có những vấn đề giao quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhưng mà thực tế Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng chưa bác được cái gì, bởi mọi quy trình lên tới đó thì không bác được”, Chủ tịch nước nói.

Phải làm sao để dân khó nghĩ ngay đến chính quyền, luật pháp

Liên quan đến trách nhiệm trong xây dựng pháp luật, Chủ tịch nước dẫn thực tiễn, cán bộ khi ban hành một nghị định, thông tư, thậm chí cao hơn là một luật mà khi triển khai gặp nhiều vướng mắc, rắc rối thì “chưa ai bị làm sao hết”.

Lấy ví dụ về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, ông đặt vấn đề “có sự lỏng lẻo từ chính sách không?”. “Nếu có, có ai chịu trách nhiệm không? Tôi thấy rằng cái đó chúng ta cũng cần phải xem xét”, Chủ tịch nước nêu.

Vấn đề nữa được Chủ tịch nước nêu là tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm. Theo ông, đâu khuyết điểm bởi là cán bộ thì anh không thể né tránh, sợ trách nhiệm được.

“Sợ sai thì đúng, làm mà không sợ sai mới chết. Sợ sai để mình làm kỹ hơn, sợ sai để mình nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn, sợ sai để mình cân nhắc trước sau, lợi hại đến quốc kế, dân sinh trước khi mình quyết định là một phẩm chất cần thiết của cán bộ”, ông Võ Văn Thưởng nhìn nhận.

Nêu cảm nhận của mình, Chủ tịch nước cho rằng, dường như cán bộ nắm quy định của các văn bản pháp luật không rõ.

“Chuyên viên nói khó, trưởng phòng nói khó, phó giám đốc sở nói khó, tới giám đốc sở cũng nói khó rồi, tới phó chủ tịch, chủ tịch ủy ban cũng nói khó theo. Cuối cùng mọi chuyện là nằm tại chỗ hết, không giải quyết”, ông nói.

Để giải quyết việc này, theo Chủ tịch nước, trước hết là từng địa phương phải thực sự làm, thực sự nghiên cứu, tháo gỡ xem vướng mắc, khó khăn từ đâu.

“Còn bây giờ đến chỗ nào cũng nói vướng, gặp ai cũng nói vướng. Hay đến diễn đàn này mà vẫn còn than khó, than vướng, chậm tháo gỡ... thì dân biết kêu ai?”, ông nhấn mạnh.

Ông cũng nêu lên một thực tế, người dân bây giờ “đụng chuyện” là nghĩ đến xem mình có quen ai không, nhờ ông nào nói giúp.  Cho rằng đây là “tư duy phản ánh tiêu cực của xã hội”, Chủ tịch nước nhấn mạnh, phải làm sao để dân khó nghĩ ngay đến chính quyền, đến là ủy ban, luật pháp. Đó mới là tư duy lành mạnh, cần hướng tới.

Cũng trong câu chuyện “sợ sai không dám làm”, liên quan đến ngành Y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) đề nghị sớm bổ sung, hoàn thiện các quy định về xã hội hoá y tế để đảm bảo cán bộ “dám nghĩ, dám làm”.

“Chúng ta tự gây ra nhiều khó khăn cho chính chúng ta. Cán bộ cũng không tự dưng mà sợ”, bà Lan bày tỏ.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng, “Chính phủ cần ban hành sớm quy định để thực hiện cơ chế mới, có thể đảm bảo đủ thiết bị, vật tư y tế phục vụ nhân dân”, ông Thức nói.

Dẫn chứng tình trạng thiếu máu cho điều trị ở một số địa phương miền Tây đồng bằng sông Cửu Long, ông Thức phản ánh, không phải vì người dân không đi hiến máu, mà vì chúng ta không có đủ vật tư y tế để tiếp nhận máu hiến đúng quy định, đó là việc rất đáng tiếc.

Hương Giang