Chiều nay (24/7), Quốc hội thảo luận tại tổ về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Đầu tư manh mún, chia cắt, không được cái gì lớn

Tham gia ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm.

Theo ông, dù chính sách thể chế đã được hoàn thiện nhiều nhưng chưa có kỷ luật về tiết kiệm chặt chẽ và vẫn còn lãng phí. Do đó, cần vừa phải giáo dục nâng cao nhận thức, xây dựng thể chế, vừa phải có kỷ luật, kỷ cương để tiết kiệm thực sự hiệu quả hơn.

Dẫn chứng thực tế tại các địa phương, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, cần chú ý đến hoạt động chi kinh tế có tính chất sự nghiệp, sửa sang đường xá vì quy định hiện nay còn có “sơ hở dễ bị tác động theo chiều hướng này, chiều hướng kia”. Hay việc chi tiêu đi lại, điện nước, xe công… cũng cần siết chặt hơn.

Với vấn đề lãng phí được nhiều đại biểu quan tâm, Thủ tướng chỉ ra thực tế có những dự án kéo dài, được nhận diện là chia cắt, manh mún, gây nên lãng phí. Do đó, cần phải có các giải pháp kết hợp "từ dưới lên và từ trên xuống".

Phân tích rõ hơn, Thủ tướng cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới là 2,87 triệu tỷ đồng, nhưng chưa thấm đâu so với nhu cầu bộ, ngành và địa phương.

Theo Thủ tướng, nếu xây dựng kế hoạch dựa trên nhu cầu sẽ rất khó. “Huyện nào cũng muốn mình có công trình, nhất là hạ tầng, an sinh xã hội”, ông nói.

Thủ tướng dẫn chứng thêm, thời kỳ ông làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông tiếp nhận 3.650 dự án, trong khi vốn đầu tư chỉ có 3.000 tỷ, tức là 1 dự án chưa được 1 tỷ đầu tư.

“Manh mún, chia cắt, không được cái gì lớn cả. Quan trọng nhất là kéo dài và hệ số ICOR rất lớn, lãng phí nguồn lực”, Thủ tướng nhận định. Vì vậy, ông yêu cầu rà soát lại.

“Vừa qua, các tỉnh lên trao đổi với tôi, có những con đường 400-500 tỉ thôi mà 13 đời bộ trưởng vẫn chưa xong, nên ta làm từ dưới lên phải kết hợp hài hòa từ trên xuống”, Thủ tướng cho hay.

Có dự án cứ kéo dài hàng chục năm

Qua rà soát dự án đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, đang có sự mất cân đối, tạo nên sự lãng phí.

“Mất cân đối một phần, nhưng quan trọng là lãng phí. Các đồng chí tưởng tượng, dự án cứ kéo dài hàng chục năm, hàng chục năm”, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu manh mún, chia cắt dự án sẽ không tránh được tình trạng lãng phí, không tạo ra động lực cho phát triển.

Đề cập đến giải pháp, theo Thủ tướng, phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Đồng thời, kiểm soát tiến độ công trình, rà soát dự án đầu tư, đổi mới lãnh đạo chỉ đạo... “Đó là giải pháp để ta cải tiến được đầu tư chậm trễ, liên quan lãng phí ở chỗ này”, Thủ tướng nêu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) cho rằng, thực hành tiết kiệm chưa đáp ứng yêu cầu, báo cáo thống kê còn sơ sài, thiếu sót nhiều nội dung quan trọng liên quan đến trách nhiệm cơ quan, đơn vị, dẫn tới kéo dài, bức xúc chưa có nhiều chuyển biến.

“Điều trăn trở nhất là tình trạng lãng phí lớn trong quản lý, sử dụng nguồn lực quốc gia, đặc biệt là tài sản công”, ông Lượng nói. Theo ông, hạn chế xuất phát từ việc chậm tổ chức thực hiện, như chậm đầu tư, xây dựng, quy hoạch và sử dụng đất đai được xem là khâu yếu nhất, gây lãng phí lớn.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) thì lưu lý phải tăng tính hiệu quả quy trình phối hợp xây dựng luật, pháp lệnh để tiết kiệm bởi theo ông, hiện nay sự phối hợp chưa rành rọt, hiệu quả, tạo ra sự lãng phí lớn.

Về vấn đề này, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu từ Đại hội Đảng XI đến nay là thực hiện ba đột phá chiến lược gồm xây dựng thể chế, con người và hạ tầng.

Riêng với xây dựng thể chế, theo người đứng đầu Chính phủ, thời gian tới là yêu cầu tập trung rà soát vướng mắc, tồn đọng, chỉ rõ vướng chỗ nào, quy định nào để làm căn cứ sửa đổi. Gắn với đó là phân cấp, giao cho người đứng đầu là các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo.

Thủ tướng cũng khẳng định việc đầu tư cho xây dựng pháp luật cần phải cải tiến hơn cho phù hợp, xây dựng nguồn lực con người gồm các chuyên gia, cán bộ về pháp luật, những nhà hoạt động thực tiễn…

Hương Giang