Ngày 19/4, Uỷ ban về các vấn đề Xã hội phối hợp với Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Ban Công tác đại biểu tổ chức hội thảo khu vực phía Bắc “Nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và việc thúc đẩy bình đẳng giới”.

Tiếp xúc cử tri “hết sức quan trọng và cũng đầy áp lực

Phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, qua các nhiệm kỳ Quốc hội, nữ đại biểu Quốc hội đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động Quốc hội, để lại nhiều dấu ấn hết sức tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước.

Qua đó, góp phần tích cực nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt, nữ đại biểu Quốc hội giữ vai trò nòng cốt trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật.

“Tôi khá ấn tượng với phát biểu của nhiều nữ đại biểu Quốc hội tại nghị trường của Quốc hội cũng như chứng kiến bản lĩnh, năng lực, trình độ của nhiều nữ đại biểu HĐND các cấp”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Mẫn cũng thông tin, trước khi hiệp thương lần 3, tổng hợp toàn quốc, tỷ lệ cơ cấu nữ ứng viên đại biểu Quốc hội đạt 48,65%; HĐND cấp tỉnh là 41,76%; cấp huyện 42,36%; cấp xã 39,05%. Đồng thời hi vọng, tỷ lệ nữ trúng cử sẽ đạt mục tiêu từ 35-40%.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, hội thảo là cơ hội để giúp các nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp có cơ hội học hỏi, giao lưu, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn.

“Không khí dân chủ, dân trí của cử tri ngày càng mở rộng, những gửi gắm, mong muốn của lãnh đạo địa phương, cử tri ngày càng cụ thể hơn, kỳ vọng cao hơn.

Tôi mong các đồng chí không quá bị áp lực, phải biết thế mạnh của mình để phát huy chương trình hành động sao cho ngắn gọn, thuyết phục, trình bày tự tin, chân thành, hấp dẫn, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, vì lợi ích của nhân dân để cử tri có nhiều thiện cảm, ấn tượng, tin tưởng bỏ phiếu cho mình”, ông Mẫn nói.

Dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm của bản thân khi ông đã ứng cử đại biểu HĐND ở cấp huyện, cấp tỉnh, tham gia Quốc hội 2 khóa, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói, tiếp xúc cử tri là việc “hết sức quan trọng và cũng đầy áp lực”.

Thái độ hiền hoà, bình dị, “hứa” phải thiết thực

Vậy làm thế nào để giải tỏa áp lực này? Theo ông Trần Thanh Mẫn, phải có tự tin thuyết phục địa phương, người dân và các ứng cử viên phải hiền hoà, bình dị gần gũi người người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu ví dụ cụ thể, ngày thường đi lễ, đi hội, đi đô thị, siêu thị mình mặc đồ như thế nào cũng được, nhưng đi xuống dân thì mặc đồ cho phù hợp với phong cảnh đồng quê, phong cảnh của người dân.

“Đây là hết sức quan trọng”, ông Mẫn nói và lưu ý, “có đại biểu từng bị phản ánh là che dù, che lọng, ăn mặc không phù hợp. Cái này giờ khắc phục được nhưng mình cũng phải hết sức chú ý”.

Cũng theo ông Mẫn, chương trình hành động cũng nên ngắn gọn, nói 5-7 phút là tối đa.

“Mình có thể nói, nếu được trúng cử hoặc không trúng cử thì tôi sẽ làm những cái này, sản xuất kinh doanh tốt ở địa phương nếu là doanh nghiệp, công chức, viên chức hứa hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, nhân dân”, ông Mẫn chia sẻ kinh nghiệm.

Ông cho rằng, có nhiều người hứa nếu trúng cử sẽ làm một loạt vấn đề, xây trường học... là ngoài tầm của mình. “Cái gì thực tế, thiết thực thì mình sẽ hứa”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng chia sẻ, khi xuống địa phương tiếp xúc cử tri nếu ăn cơm với địa phương thì nên “có cái gì ăn cái nấy”.

Ông Mẫn cho biết, cách đây mấy ngày, ông đi tiếp xúc cử tri, ngồi ở trên mà không dám uống nước vì người dân ở dưới ngồi nóng nực mà không có nước uống, nên “mình ngồi trên rót trà, rót nước suối uống thì cũng hơi khó”.

“Nhiều việc tế nhị nhưng cũng phải rút kinh nghiệm để làm sao trong quá trình tiếp xúc cử tri để ra ứng cử thì dù trúng cử hoặc không thì mình cũng làm tốt nhiệm vụ, chức trách của mình với Đảng, nhân dân”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ.

Thông tin tại hội thảo cho hay, trong 5 khóa Quốc hội gần nhất, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ luôn giao động trong khoảng từ 25% trở lên.

Ở cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV, trong số 205 ứng viên ở Trung ương thì có 46 người là nữ, chiếm tỉ lệ 22,43%. Ở địa phương, có 435/888 là nữ, chiếm 48,65%.

Tỷ lệ phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đạt cao nhất trong 4 khóa bầu cử Quốc hội gần đây. Riêng ở Trung ương, đạt gần gấp đôi so với khóa XIV.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND cao hơn các khóa trước nhưng chưa đạt tỷ lệ như mong muốn.

Theo quy định, tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND phải đạt 35%. Bà Thuý Anh cho rằng,  để đạt tỷ lệ nữ đại biểu cao hơn nhiệm kỳ trước và đạt tỷ lệ 35% là một thách thức lớn, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ, đòi hỏi nỗ lực của chính các nữ ứng cử viên. 

Hương Giang