Ngày 5/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “phục hồi và phát triển bền vững”.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, các chính sách, gói kích thích kinh tế cần vừa  phù hợp để vừa phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm để phát triển thị trường lao động, bảo đảm sự tăng trưởng chiều sâu, bền vững trong dài hạn, tránh “lỡ nhịp” với đà tăng trưởng của thế giới.

COVID -19 là “đại họa” với các doanh nghiệp và người lao động

Dẫn Báo cáo “Tương lai việc làm” được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố gần đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, bất chấp tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, phần lớn các nhà tuyển dụng đều nhận ra “giá trị của việc đầu tư vốn con người”. 

WEF kêu gọi các Chính phủ ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch COVID -19. 

“Bởi việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5 - 2%, tương đương với 6,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030”, ông Dũng thông tin. 

Tại Việt Nam có 55 triệu lao động nhưng chỉ 24,6% có bằng cấp chứng chỉ. Chất lượng đào tạo nghề dù đã tăng 13 bậc vẫn xếp thứ 97/141 nước xếp hạng, còn khoảng cách rất xa so với các nước Đông Bắc Á và khu vực ASEAN. Tăng trưởng kinh tế khá cao song năng suất lao động vẫn rất thấp. 

“Chúng ta sẽ hết giờ tranh thủ cơ hội vàng nếu không tăng tốc đầu tư vào vốn con người, vào lao động có kỹ năng”, ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Từ đó, ông Dũng đề xuất, trước mắt, cần đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động; kéo dài 1 - 2 năm nữa việc đào tạo nghề cho người thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp; đặt hàng đào tạo dưới 1 năm để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động.

leftcenterrightdel
 Tổng cục Trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng. Ảnh: Đ.X

Về trung hạn và dài hạn, cần phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiệu quả và hội nhập; chú trọng nâng cao dự báo nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo, từ đó xây dựng chiến lược dài hạn…

Nhận định COVID -19 là “đại họa” với các doanh nghiệp và người lao động, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nói, hỗ trợ cho người lao động điều cần nhất là việc làm và thu nhập. 

“Doanh nghiệp phải phục hồi và đón người lao động trở lại. Đồng thời, bảo đảm an toàn sức khỏe, vaccine và chăm sóc y tế cho người lao động, nếu không họ không thể an tâm làm việc”, ông Công nhận định, đây là yêu cầu trước mắt.

Về lâu dài, phải hướng đến “an cư, lạc nghiệp” cho người lao động. Theo Chủ tịch VCCI, không thể để người lao động ở trong những nhà trọ mấy mét vuông, điều kiện hết sức khó khăn. 

“Ngay từ hôm nay, chúng ta phải xúc tiến chương trình bảo đảm chỗ ở cho người lao động. Có an cư mới an tâm, mới không xảy ra tình trạng hàng triệu người rời bỏ các địa phương như vừa rồi”, ông Công cho hay, doanh nghiệp sẵn sàng tạo dừng chỗ ở ổn định, tạo an tâm lâu dài cho người lao động nhưng cần cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Đi cùng với “an cư” là “lạc nghiệp” thì phải có việc làm ổn định, thu nhập tốt. Như vậy, theo ông Công, phải có một chương trình quốc gia để đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động; cơ cấu lại tổng thể lực lượng lao động, dần bỏ lao động phổ thông, dịch chuyển sang lao động ở bậc cao hơn.

“Chính COVID- 19 tạo áp lực cho chúng ta. Đây là cơ hội lịch sử, cơ hội vàng để chúng ta đột phá về thể chế”, Chủ tịch VCCI nói và nhấn mạnh, để phục hồi và phát triển bền vững cần cách tiếp cận mới, nhận thức mới, chính sách và thể chế mới.

Nền kinh tế bị thiệt hại lên tới 37 tỷ USD 

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, hai năm qua nếu không có dịch COVID -19, nền kinh tế Việt Nam tăng 7%. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ tăng 2,91% vào năm 2020 và dự kiến tăng 2,5% năm nay.

Như vậy, kinh tế thiệt hại khoảng 160.000 tỷ đồng vào năm 2020 và 346.000 tỷ đồng năm 2021. 

“Tổng cộng hai năm qua, thiệt hại khoảng 507.000 tỷ đồng (tính theo giá năm 2010), còn theo giá hiện hành lên tới 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD”, ông Phong nêu.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Đ.X

Đến nay, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng dịch bệnh chưa kiểm soát được hoàn toàn, biến chủng mới Omicron xuất hiện, các ca mắc mới ngày càng tăng… là mối đe dọa đáng quan ngại với phục hồi. 

“Việt Nam đang ở vùng trũng trong chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế, đầu tư động lực cho tăng trưởng còn thấp”, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định và dẫn chứng về năng suất lao động Việt Nam dù đã được cải thiện song vẫn bị tụt hậu, thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam năm 2019 theo giá hiện hành đạt 110,5 triệu đồng/lao động (tương đương 4.792 USD/lao động), chỉ bằng 7,64% so với Singapore; bằng gần 20% của Malaysia; gần 38% của Thái Lan và gần 46% so với Indonesia theo đánh giá của WB.

“Trong cuộc đua đường trường người ta ăn nhau ở năng suất, tốc độ nhưng chúng ta vẫn còn tụt hậu thì khả năng đuổi kịp các nước trong khu vực là thách thức rất lớn. Đây là điểm nghẽn lớn khi bàn tới tăng trưởng dài hạn”, ông Tuấn chỉ ra.

Đặc biệt, tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ ngày càng giảm trong khi nhiều nước có xu hướng tăng; năng lực đổi mới sáng tạo so với Ấn Độ, Thái Lan… đều kém hơn. 

Do đó, theo ông Tuấn, cùng với việc nghiên cứu có gói hỗ trợ kinh tế với quy mô từ 6-8% GDP, thì cần thúc đẩy kinh tế số, đổi mới sáng tạo.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, động lực tăng trưởng chủ yếu hiện nay của Việt Nam là đầu tư để vừa tăng cầu, vừa tăng năng lực tiềm năng. Cùng với đó, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước; ứng dụng công nghệ số để đổi mới cách thức sản xuất cũng như tiêu dùng, đầu tư có hiệu quả.

Ông Phong cũng nhấn mạnh, đầu tư trong nước quan trọng nhưng đầu tư nhà nước có vai trò dẫn dắt. 

“Bởi đầu tư Nhà nước vào hệ thống kết cấu hạ tầng, nhân lực, khoa học công nghệ, tạo nền tảng thúc đẩy đầu tư của nước ngoài cũng như đầu tư tư nhân. Có thể nói trong điều kiện bình thường mới, vai trò đầu tư Nhà nước vẫn giữ vai trò tiên phong để thúc đẩy kinh tế cả cung và cả cầu”, ông Phong nói.

Hương Giang