Ngày 5/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

Tiêm vaccine khẩn trương nhưng phải rất chắc chắn

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến, ngày 8/3, những liều vaccine đầu tiên sẽ được tiêm theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ.

Về việc tiếp cận vaccine qua COVAX Facility, Việt Nam là 1 trong 92 nước nằm trong danh sách các quốc gia được tài trợ vaccine giai đoạn đầu tiên. COVAX Facility cung ứng cho Việt Nam khoảng 5 triệu liều vào năm 2021, còn lại khoảng 25 triệu liều sẽ cung ứng vào năm 2022.

Theo ông Long, việc tiếp cận vaccine có nhiều khó khăn do nhu cầu lớn, nguồn cung của thế giới hạn chế.

“Song song với việc mua vaccine từ nước ngoài, chúng ta phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động nguồn vaccine trong nước. Đây là chiến lược lâu dài”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.

Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, không nên để xuất hiện tâm lý “vaccine giải quyết được hết các vấn đề dịch bệnh”, phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, giảm rủi ro nguồn bệnh lây nhiễm ra ngoài.

“Vaccine là vấn đề đặc biệt nhạy cảm, Bộ Y tế phải là đầu mối điều phối thống nhất, không thể để xảy ra tình trạng các địa phương đàm phán trực tiếp với doanh nghiệp mua vaccine”, ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị.

Ban Chỉ đạo yêu cầu việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 phải bảo đảm nguyên tắc công bằng vaccine của Liên Hợp Quốc, khẩn trương nhưng phải rất chắc chắn, đặc biệt phải thông đầy đủ cho người dân, chuẩn bị đầy đủ phương án xử lý những vấn đề, sự cố phát sinh trong quá trình tiêm chủng.

Khoảng 1-1,5 năm nữa, dịch COVID-19 mới bớt căng thẳng

Từ những số liệu trên thế giới, ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, tình hình dịch bệnh được cải thiện do 4 yếu tố: Chu kỳ lây nhiễm của virus, cách ứng xử của các nước, miễn dịch trong cộng đồng, cuối cùng là tiêm vaccine. Trong đó, yếu tố ứng xử của các nước rất quan trọng, nhất là khi xuất hiện nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn.

PGS.TS Trần Đắc Phu đưa ra dự đoán khoảng 1-1,5 năm nữa tình hình dịch bệnh COVID-19 mới bớt căng thẳng. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, khi có vaccine ngừa COVID-19, Bộ Y tế tổ chức tiêm, đánh giá độ an toàn, hiệu lực, hiệu quả một cách tốt nhất.

Theo lãnh đạo Chính phủ, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Vì, trong những đợt tiêm chủng mở rộng với những vaccine đã ổn định rồi cũng có lúc xảy ra sự cố, sơ xuất, nếu không chuẩn bị tốt sẽ biến thành những sự cố lớn.

Thêm nữa, tất cả những loại vaccine trước đây tiêm ở Việt Nam đều được phát triển theo quy trình bình thường với thời gian trung bình 7-8 năm, thậm chí có loại lên đến 12 năm. Còn vaccine ngừa COVID-19 được nghiên cứu, phát triển trong tình hình khẩn cấp, việc cấp giấy phép sử dụng ở Việt Nam cũng vậy.

“Chúng ta càng phải cảnh giác và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn”, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế từng bước tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân và khi triển khai tiêm phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể, nếu có bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ cũng phải bình tĩnh xử lý.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải thúc đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để chủ động được nguồn vaccine cho 100 triệu dân

Những thông tin ban đầu cho thấy các vaccine ngừa COVID-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hàng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt, hay 1 năm là xong.

Có hướng dẫn cho người nước ngoài đã tiêm vaccine nhập cảnh vào Việt Nam

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài để kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu nhưng trong thời gian ngắn hạn (6 tháng-1 năm) thì vaccine chưa phải là tất cả mà đầu tiên.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Đình Nam 

“Căn bản nhất vẫn phải là các biện pháp phòng chống dịch ban đầu rất hiệu quả của chúng ta, cộng thêm với vaccine”, Phó Thủ tướng nói, tình hình dịch bệnh trên thế giới đã “bớt nóng” nhưng Việt Nam vẫn là “cánh đồng trũng, bên ngoài vẫn còn nước to, gió lớn” nên cần thực hiện tiếp các giải pháp trước đây.

Trên tinh thần cảnh giác trước nguy cơ mầm bệnh đã có sẵn trong cộng đồng, các lực lượng phải tập trung phát hiện sớm, truy vết nhanh, khoanh thật gọn.

“Chúng ta là nước nghèo, phải chiến thắng dịch bệnh bằng công thức của Việt Nam sao cho chi phí rẻ nhất, bớt xáo trộn đời sống của nhân dân. Thực tiễn từ khi diễn ra dịch bệnh đến nay, chúng ta đã làm rất tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Mọi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy, chợ, siêu thị, cơ sở lưu trú, bến xe… phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá định kỳ, cập nhật thông tin lên Bản đồ chống dịch (antoancovid.vn).

“Ban Chỉ đạo và cá nhân tôi đã nhiều lần yêu cầu thực hiện việc tự đánh giá, cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch nhưng đến nay chỉ có rất ít các cơ sở lưu trú, trạm y tế, phòng khám tư nhân… làm nghiêm túc”, Phó Thủ tướng gay gắt và yêu cầu, phải siết lại, triển khai quyết liệt, thậm chí kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động những nơi không thực hiện nghiêm túc.

Với những nước đối tác có tiềm lực sản xuất vaccine và đã triển khai tiêm cho người dân, Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Y tế chủ trì, cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành các hướng dẫn tạo điều kiện cho những người đã được tiêm vaccine ở nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam bảo đảm an toàn, phục vụ mục tiêu kép.

Hương Giang