Phát biểu mở đầu lễ dâng hương, ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Sửu 2021 nhấn mạnh: Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày lễ trọng của cả dân tộc ta đã trở thành tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài; là biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo và sâu sắc, thể hiện tinh thần đại đoàn kết, đạo lý truyền thống tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn"; nhớ về tổ tông, về nghĩa “đồng bào” để cùng nhau làm nên sức mạnh Việt Nam trong tiến trình dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta. 

Ngay sau đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu đã thành kính dâng hương, hoa, lễ vật tri ân và tưởng nhớ công đức các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi, đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông gấm vóc để ngày nay con cháu các Vua Hùng tiếp tục xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.

Cầu mong phù hộ cho mưa thuận, gió hòa; nhân khang, vật thịnh; dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 được đẩy lùi; xã tắc thịnh vượng, hùng cường; nhân dân ấm no, hạnh phúc. Con cháu Lạc Hồng trên khắp mọi miền đất nước và kiều bào ta ở nước ngoài có cuộc sống an khang, thịnh vượng. Các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

leftcenterrightdel
 Đông đảo nhân dân, du khách thập phương kéo về lễ giỗ Tổ năm nay

Theo các tư liệu lịch sử và thống kê của các nhà nghiên cứu, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Trong đó, tỉnh Phú Thọ có 183 di tích thờ cúng Hùng Vương (122 di tích đang thờ tự và 61 di tích đã thất truyền). Mỗi địa điểm di tích lại gắn liền với một tín ngưỡng thờ cúng và tri ân công đức của tiên tổ.

Đây thực sự là một minh chứng khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hoá độc đáo, trường tồn cùng lịch sử dân tộc.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương là dịp quan trọng để giới thiệu ra thế giới một di sản đã thấm đẫm vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của mỗi người dân Việt Nam.

Ngày 10/3 Âm lịch, vào thời khắc tại Đền Thượng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hùng tổ chức nghi lễ giỗ Tổ thì tại các di tích thờ cúng Hùng Vương trong cả nước đều đồng loạt tổ chức nghi lễ giỗ Tổ.

Đồng thời, cũng vào ngày này, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ những năm gần đây đã khuyến khích mỗi gia đình làm mâm cơm dâng cúng lên ban thờ tổ tiên tại gia để cùng tưởng nhớ, tri ân Tổ tiên ông bà, cha mẹ trong mỗi gia đình mình theo phong tục thờ cúng Tổ tiên của người Việt. Đó cũng chính là bản thể, cội nguồn sự hình thành, kết nối của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, từ gia đình đến dòng họ, đến quốc gia, dân tộc. Sự cố kết chặt chẽ ấy chính là sức mạnh bền vững để tạo nên giá trị bản sắc riêng có của dân tộc Việt Nam và của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2021 được tỉnh Phú Thọ tổ chức, diễn trong 2 ngày 17 và 21/4 (tức ngày 6 và 10/3 Âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Trong trạng thái bình thường mới vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19, giỗ Tổ Hùng Vương năm nay đã được tỉnh điều chỉnh phù hợp.

Một số hoạt động văn hóa cũng được tổ chức như: Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương” và bắn pháo hoa tầm cao; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; Giải Bơi chải TP Việt Trì mở rộng; Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia năm 2021; các chương trình diễn Hát Xoan làng Cổ tại thành phố Việt Trì; âm nhạc đường phố "Việt Trì live music", Festival Sinh vật cảnh tỉnh Phú Thọ, cùng nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

 

 

Nam Dũng