Ngày 15/6, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 57, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021.

Quốc hội, Chính phủ hoạt động rất thiết thực, trách nhiệm

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu, 6 tháng đầu năm, đất nước có nhiều sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp…

Đặc biệt, kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV (cuối tháng 3 đầu tháng 4/2021) đã kiện toàn bộ máy sau Đại hội XIII của Đảng và chuyển giao nhiệm vụ. Theo ông Huệ, ngay sau chuyển giao, Quốc hội, Chính phủ, kể cả chính quyền địa phương hoạt động rất thiết thực, rất trách nhiệm.

“Chính phủ giờ làm việc xuyên đêm, rất vất vả. Quốc hội cũng vậy, địa phương cũng thế”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị báo cáo phải đánh giá điều này.

Đi vào cụ thể, theo Chủ tịch Quốc hội, các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra phải làm rõ hơn “những điểm sáng nhất” của kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm.

Đầu tiên là dịch bệnh dù diễn biến phức tạp song cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát.

“So với các đợt trước đây, đợt này lây nhiễm phạm vi rộng hơn, số ca tăng nhanh hơn, chủng mới nguy hiểm hơn, nhưng đến nay chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, kể cả các chuỗi cung ứng”, ông Vương Đình Huệ dẫn chứng, Samsung cho biết, cơ bản vẫn đảm bảo chuỗi cung ứng, chưa ảnh hưởng nghiêm trọng…

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá, xuất nhập khẩu đạt tăng trưởng tốt, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19.

Cạnh đó, giá cả cơ bản ổn định dù một số mặt hàng thiết yếu có dầu hiệu tăng, giá bất động sản, vật liệu xây dựng như thép có thời kỳ tăng đột biến. Đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì xu hướng tích cực…

“Lỗi nhịp” với nền kinh tế thế giới nhiều hay ít là phụ thuộc vào chúng ta

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, còn những khó khăn, thách thức phải đối mặt. Cụ thể, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chiến lược vaccine có nhiều thách thức và có rủi ro “lỗi nhịp” với nền kinh tế thế giới.

“Lỗi nhịp nhiều hay ít là phụ thuộc vào chúng ta vì định hướng thì có hết rồi”, ông Huệ nói. Cho nên, phải “chạy đua với thời gian” để khắc phục điều này vì tỷ lệ tiêm chủng hiện vẫn còn thấp.

Thách thức khác là cầu trong nước rất yếu. Với tình hình hiện nay, Chủ tịch Quốc hội dự báo “có thể còn yếu nữa”, nhất là du lịch, dịch vụ, hàng không đang bị ảnh hưởng rất nặng nề…  

Sản xuất công nghiệp tăng chậm lại, nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh. Rồi giải ngân vốn đầu tư công cũng chậm, có dấu hiệu chững lại, đặc biệt là vốn ODA mới giải ngân được mấy %, rất thấp.

Đặc biệt lưu ý vấn đề nợ xấu ngân hàng… Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trách nhiệm về kinh tế vĩ mô thuộc về từng bộ, từng ngành; đồng thời nhấn mạnh: “Chính phủ và Quốc hội phải đồng hành với nhau để giải quyết những vướng mắc này”.

Ngoài ra, theo ông Huệ, hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân rất khó khăn. Cổ phần hoá, thoái vốn, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước còn trì trệ. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Quốc hội giao 2 năm rồi chưa ra được; chiến lược cải cách thuế cũng chưa có….

Đề cập đến định hướng thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, điều mà chúng ta đã dày công xây dựng thời gian qua.

Cùng với đó, kiên trì thực hiện “nhiệm vụ kép”, nhưng với từng thời điểm, từng địa phương phải có những ưu tiên phù hợp.

mặt này, mặt kia, chỗ có dịch thì chúng ta phải coi trọng hơn việc chống dịch, chỗ chưa có thì đẩy mạnh sản xuất. Tổng quan vẫn xác định là phòng, chống dịch, kiểm soát dịch là mục tiêu hàng đầu.

“Chỗ có dịch, chúng ta phải coi trọng hơn việc chống dịch, chỗ chưa có dịch thì đẩy mạnh sản xuất. Tổng quan vẫn phải xác định phòng, chống dịch, kiểm soát dịch là mục tiêu hàng đầu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ông cũng đề nghị “tận dụng tối đa phát triển kinh tế số”; đồng thời bám sát Kết luận 07 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội.

Hương Giang