Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ký báo cáo tình hình thực hiện dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo Nghị quyết số 52 năm 2017 của Quốc hội.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 dự kiến đầu tư 654 km, chia thành 11 dự án thành phần gồm: 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Sau đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận chuyển đổi phương thức đầu tư 5 dự án từ PPP sang đầu tư công, nâng số lượng thành 8 dự án thành phần đầu tư công và 3 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP.

Cam kết thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần vào cuối năm 2022

Theo báo cáo, tính đến ngày 15/9/2022, mới có 1 dự án thành phần hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn.

10 dự án thành phần còn lại đang triển khai thi công xây dựng. Trong đó, cả 3 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đều đang chậm tiến độ.

Hiện, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt khối lượng thực hiện mới đạt 13,7%, dự kiến hoàn thành thi công xây dựng vào tháng 5/2024; đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo khối lượng thực hiện được 24,3%, dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2024. Đoạn Nha Trang - Cam Lâm có khối lượng thực hiện cao nhất với 47,2% tổng giá trị hợp đồng, kế hoạch hoàn thành vào tháng 9/2023.

7 dự án thành phần đầu tư công thì đoạn Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 chậm tiến độ. Còn 5 dự án thành phần sau khi chuyển đổi hình thức đầu tư thì đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang chậm so với kế hoạch; 4 dự án khác (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) cơ bản đáp ứng tiến độ.

Ông Nguyễn Văn Thể cho hay, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án và các nhà thầu thi công ký cam kết thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phấn đấu hoàn thành, thông xe kỹ thuật 4 dự án trên vào cuối năm 2022.

Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm đôn đốc, kiểm tra, xử lý các “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án; xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Giá vật liệu xây dựng tăng ngoài khả năng dự báo

Đề cập đến khó khăn, vướng mắc, Chính phủ cho biết, bên cạnh khó khăn trong giải phóng mặt bằng thì giai đoạn đầu triển khai thi công, nguồn vật liệu đất đắp cung cấp cho các dự án thành phần “không đáp ứng yêu cầu”.

Các nghị quyết áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án đã được Chính phủ ban hành.

Dù vậy, tại dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đến tháng 4/2022 mới khai thác được mỏ đầu tiên, riêng mỏ Hòn Lúp công suất 0,794 triệu m3 mới bắt đầu được khai thác. Tại dự thành phần Phan Thiết - Dầu Giây, đến cuối tháng 2/2022, tỉnh Đồng Nai mới giải quyết xong thủ tục khai thác.

“Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện 2 dự án này”, Chính phủ đánh giá.

Biến động giá vật liệu xây dựng cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Theo báo cáo, từ cuối quý IV năm 2020 đến quý I năm 2022, xi măng, đá các loại, nhựa đường tăng giá trên 20%, đặc biệt có những vật liệu như thép, nhiên liệu tăng giá 80%-90%.

Biến động tăng giá lớn này nằm ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan.  “Việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa phản ánh được mức độ biến động giá, dẫn đến các nhà thầu khó khăn về tài chính”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.

Để tháo gỡ vướng mắc, Ban Chỉ đạo điều hành giá quốc gia đã giao Bộ Công thương thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thép xây dựng, tránh việc “đầu cơ, găm hàng, thổi giá” thép.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ ngành, địa phương rà soát quy hoạch, hỗ trợ vật liệu xây dựng để xác định nguồn cung về vật liệu xây dựng.

Hiện Chính phủ đang khẩn trương lấy ý kiến của các bộ, ngành về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo báo cáo của Bộ Xây dựng.

Ngoài ra, tiến độ các dự án còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất thường; đại dịch COVID -19; thủ tục đầu tư kéo dài; thay đổi hình thức đấu thầu.

Do vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội quan tâm, thường xuyên giám sát tình hình thực hiện dự án; có ý kiến với Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương có dự án đi qua hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tái định cư; kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng, dịch vụ, giá vật liệu xây dựng, chống việc lợi dụng tăng giá, ép giá; công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hàng tháng sát với biến động của thị trường.

Cạnh đó, giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương rà soát tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các dự án thành phần để điều chỉnh thời gian xây dựng cho phù hợp, sớm hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ các dự án, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Tổng số vốn Nhà nước đã được giao thực hiện dự án trong kế hoạch hàng năm là hơn 47.831 tỷ đồng; lũy kế đã giải ngân được gần 40.365 tỷ đồng, đạt khoảng 84,4% kế hoạch giao.

Báo cáo cho thấy, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phương án thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì, làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan để trao đổi, thống nhất các nội dung về thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư, báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. 

Hương Giang