Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 2/12, phóng viên đặt câu hỏi về kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế.

Trả lời về mở đường bay thương mại quốc tế, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, việc mở các đường bày là “nhu cầu thực tế, khách quan”.

Theo ông, không chỉ riêng Việt Nam, các nước cũng đã xem xét mở lại các chuyến bay quốc tế để phát triển kinh tế- xã hội, đi lại, giao thương, phát triển du lịch và đi lại của đồng bào.

Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch, báo cáo Thủ tướng ngày 8/11, trong đó đưa ra các quốc gia dự kiến. Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc còn 10 quốc gia khác, chia thành 3 giai đoạn khác nhau, lộ trình khác nhau với tần suất khai thác, các biện pháp phòng chống dịch khác nhau để bảo đảm nhu cầu đi lại cũng như đánh giá trên nhu cầu của các thị trường đó.

Thứ trưởng cho biết, để báo cáo với Thủ tướng có quyết định cuối cùng, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với các bộ (Ngoại giao, Y tế, Công an, Văn hóa Thể thao và Du lịch…) để hoàn thiện kế hoạch.

“Để mở chuyến bay, chúng ta phải xem xét các yếu tố như khả năng phòng chống dịch, tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân để miễn dịch cộng đồng. Quan trọng nhất là sự đồng thuận của các quốc gia chúng ta kết nối. Hộ chiếu vaccine cũng là công cụ để mở các chuyến bay”, ông Đông nói.

Thứ trưởng Bộ Gia thông Vận tải cũng nhấn mạnh việc mở đường bay với quốc gia nào phải có sự đồng thuận của quốc gia đó. Các hãng hàng không phải tuân thủ các quy định đó.

“Do điều kiện dịch bệnh, chúng ta đang tiếp tục trao đổi, thảo luận với các quốc gia trên lộ trình Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra”, ông Đông thông tin.

Cũng theo Thứ trưởng, gần đây có thêm một biến chủng mới Omicron, đây là một tác động, các nước có sự thận trọng hơn, xem xét, đánh giá kỹ.

“Dự kiến mở lại các đường bay quốc tế đầu năm 2022, song với diễn biến mới về dịch bệnh thì cần phải rà soát lại, làm việc với các quốc gia để có quyết định cuối cùng”, ông Đông cho biết.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải cho tái khởi động các chuyến bay quốc tế thường lệ, trước hết là việc khôi phục các chuyến bay trọn gói (combo) trong giai đoạn 1 cho các công dân Việt Nam.

Dự kiến các chuyến bay combo sẽ được mở tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Úc và các thị trường khác khi có nhu cầu luân chuyển lao động.

Cùng với đó, tổ chức chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương (Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh...).

Chương trình phục hồi kinh tế dự kiến áp dụng 2 năm

Liên quan đến Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, đây là nhiệm vụ được Chính phủ giao cho bộ thực hiện, chủ trì.

Theo kế hoạch, chương trình này sẽ được trình Quốc hội vào phiên họp bất thường, dự kiến cuối năm nay.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: Đ.X 

Về nội dung cơ bản, ông Phương thông tin, chương trình phục hồi gồm 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ gia đình, kích thích đầu tư công, cải cách hành chính.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, 5 nhóm giải pháp này đã đủ mạnh và cơ bản bao quát hết các lĩnh vực cần hỗ trợ, cũng như cấu trúc lại nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh và phát triển sau khi kiểm soát được đại dịch”, ông Phương nói.

Về thời gian bộ đã báo cáo Chính phủ thời gian áp dụng chương trình khoảng 2 năm, tập trung chủ yếu năm 2022 và 2023. Tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh và diễn biến của một số giải pháp sẽ phải kéo dài thêm, như dự án đầu tư công quy mô lớn, có thể phải thực hiện kéo dài thêm.

Về quy mô gói hỗ trợ, ông Phương cho rằng, nếu như giải pháp đủ mạnh sẽ tốn kém chi phí, nếu kinh phí giới hạn thì thời gian sẽ phải kéo dài thêm, đây là mối quan hệ chặt chẽ giữa các yếu tố này.

Theo đó, các công cụ gồm tài khóa, tiền tệ, huy động các quỹ ngân sách và ngoài doanh nghiệp, huy động sự tham gia khu vực tư nhân trong các dự án đầu tư công theo phương thức đối tác công tư…

Hương Giang