"Đừng kỳ thị kinh tế tư nhân”

Giải trình một số vấn đề ĐBQH quan tâm, chất vấn, Phó Thủ tướng đề cập đến việc phát triển doanh nghiệp (DN). Theo ông, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội.

Hiện cả nước có trên 730.000 DN đang hoạt động, trên 100.000 DN thành lập mới mỗi năm, trong đó hơn 96% là DN nhỏ và vừa, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể. "Chúng ta đã có nhiều tập đoàn, DN tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu", Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, năng lực, hiệu quả của khu vực DN tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là DN nhỏ và vừa. Trình độ quản trị, năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, khả năng liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế. Tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh còn xảy ra ở nhiều nơi. Tỷ lệ DN so với dân số bình quân còn thấp.

Vì thế, thời gian tới, Chính phủ đã yêu cầu, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật Đầu tư và Luật DN theo hướng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường.

"Đừng kỳ thị kinh tế tư nhân như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo; đồng thời tăng khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, vốn, đất đai, tài nguyên và nguồn nhân lực...", ông nhấn mạnh.

Chất vấn Phó Thủ tướng, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) nêu, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang vào hồi quyết liệt. Vậy thái độ ứng xử và hành động của chúng ta như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Anh Trí

 

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ là mối quan tâm của Việt Nam, mà còn là mối quan tâm của thế giới.

"Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nêu một trong bốn đám mây bao phủ nền kinh tế thế giới là cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung. Các tổ chức tài chính tiền tệ cũng đánh giá, cuộc chiến thương mại sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,5% xuống còn 3,2%”, ông cho biết.

Với Việt Nam với nền kinh tế có độ mở rất lớn, khi cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra trong năm 2018, Thủ tướng đã hết sức quan tâm.

“Về ngắn hạn, cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu, nhưng dài hạn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung một số sản phẩm xuất khẩu của chúng ta. Trong 5 năm tới, có thể giảm GDP khoảng 6.000 tỷ đồng", Phó Thủ tướng cho biết đánh giá của Chính phủ.

Chính vì vậy, chúng ta đã xây dựng nhiều kịch bản, biện pháp cần thiết như tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo linh hoạt tỷ giá, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, cải thiện môi trường đầu tư…

Lãnh đạo Chính phủ lưu ý, phải hết sức cảnh giác với việc hàng hóa thông qua Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác để “né” thuế. “Phải phòng vệ, tránh, ngăn ngừa gian lận thương mại là những biện pháp cần thiết của chúng ta trong tình hình hiện nay”, ông nói.

Bảo hộ ngư dân Việt Nam

ĐB Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình) nêu, vừa qua tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam liên tục bị lực lượng chức năng của một số nước bắt giữ khi đánh bắt ở vùng biển chưa phân định trên biển Đông. “Với trách nhiệm của mình, Chính phủ có những biện pháp như thế nào để bảo vệ ngư dân trong thời gian tới”, ĐB hỏi.

ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn

 

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề bảo hộ công dân, bảo hộ ngư dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ.

Thời gian qua, một số ngư dân Việt Nam bị bắt giữ khi đánh cá ở vùng biển hợp pháp, các cơ quan chức năng đã kiên quyết đấu tranh với các nước, yêu cầu phải đối xử nhân đạo, thả người, bồi thường thiệt hại.

Một số ngư dân bị bắt giữ trên vùng biển chưa được phân định, cụ thể là giữa Việt Nam và Indonesia. Theo Phó Thủ tướng, năm 2003, Việt Nam và Indonesia đã phân định thềm lục địa nhưng chưa phân định vùng đặc quyền kinh tế nên có tranh chấp.

“Mỗi lần có va chạm xảy ra, Bộ Ngoại giao đã trực tiếp trao đổi, phản đối với đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam cũng như đối tác Indonesia yêu cầu thả và đền bù”, ông nói.

Tuy nhiên, cũng có ngư dân đánh bắt cá vào những vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của các nước và bị bắt. Với trường hợp này, Chính phủ bảo hộ công dân thông qua việc thăm lãnh sự, yêu cầu xét xử công bằng, hợp lý, thả người và tàu biển.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh các biện pháp bảo hộ, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục để ngư dân Việt Nam tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng các vùng biển quốc tế và chỉ đánh bắt cá trong vùng biển hợp pháp, được các lực lượng chức năng và kiểm ngư bảo hộ.

Trả lời chất vấn về vấn đề biển Đông, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền trên biển, đảo; việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực.

“Thời gian vừa qua, các hoạt động kinh tế của chúng ta trên các vùng biển, đặc quyền kinh tế vẫn được thực hiện. Các lực lượng chức năng bảo vệ các hoạt động kinh tế và ngư dân hoạt động hợp pháp trên các vùng biển. Chúng ta cũng kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, thông qua các biện pháp ngoại giao, các biện pháp cần thiết khác”, ông Phạm Bình Minh nói.

Việt Nam không thao túng tiền tệ

ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) đề nghị Phó Thủ tướng cho biết giải pháp của Chính phủ khi Việt Nam bị đưa vào danh sách cần giám sát của Bộ Tài chính Mỹ. "Chính phủ đã dự báo được tình huống này và giải pháp ra sao? Có cần thiết giao một cơ quan đặc trách tham mưu cho Chính phủ hay không?", ông hỏi.

Để trả lời trúng vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời thay Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Theo ông Lê Minh Hưng, ngày 29/5, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và tỷ giá với các nước là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tại báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ đưa ra danh sách 9 nước cần theo dõi, giám sát, trong đó có Việt Nam.

Ba tiêu chí để Bộ Tài chính Mỹ đưa các nước vào báo cáo này gồm: Thặng dư thương mại với Mỹ hơn 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP và có can thiệp ngoại hối một chiều (mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng liên tục) 2% GDP.

Việt Nam thoả mãn 2 tiêu chí là thặng dư thương mại và cán cân vãng lai; còn can thiệp ngoại hối một chiều thấp hơn ngưỡng Mỹ đưa ra.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, báo cáo của phía Mỹ kết luận, không có quốc gia nào trong danh sách 9 nước này thao túng tiền tệ.Việt Nam cũng khẳng định, quan điểm nhất quán điều hành là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. “Chúng ta không dùng chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá để tạo cạnh tranh, tạo lợi thế thương mại một cách không công bằng”, ông Hưng nhấn mạnh.

Cũng theo Thống đốc, những khuyến nghị chính sách phía Mỹ đưa ra, cũng nằm trong lộ trình mà Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành triển khai, hoàn thiện.


“Từng người tham gia mạng xã hội không xả rác và cần dọn rác của chính mình”

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt vấn đề, hiện nay, thông qua mạng xã hội, trẻ em bị dụ dỗ, lôi kéo phạm tội, xâm hại tình dục, bị vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm dẫn đến hành vi tiêu cực như bỏ học, tự tử...

“Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã quan tâm đúng mức chưa và đã có nỗ lực gì để phối hợp các bộ, ngành đề ra các giải pháp chủ động, đối phó, ngăn chặn, xử lý đối với loại tội phạm lợi dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em?”, ĐB Cường nêu.

Điều hành phiên chất vấn Phó Thủ tướng, Chủ tịch QH đề nghị, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời.

Theo Bộ trưởng Hùng, trong thế giới thực, chúng ta có hệ thống pháp luật, có chính quyền Trung ương, địa phương, có lực lượng để duy trì sự lành mạnh của xã hội. Còn trên không gian mạng chưa có được như vậy.

Vì vậy, giải pháp lúc này là hệ thống pháp luật, chính quyền, lực lượng phải nhanh chóng đi vào không gian mạng để duy trì sự lành mạnh của không gian mạng. Về lâu dài, phải luôn luôn giáo dục kỹ năng sống trong không gian mạng.

“Thực tiễn chúng ta có hàng ngàn tấn rác, nếu chúng ta không dọn thì ảnh hưởng đến sức khoẻ. Trong không gian mạng cũng có rác, nếu chúng ta không dọn, nó ảnh hưởng đến não người”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm.

Giải pháp trước mắt, theo ông là “quét rác”; “từng người tham gia mạng xã hội không xả rác và cần dọn rác của chính mình”. Còn Bộ thì đang soạn thảo và sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Cùng với đó, các nhà mạng phải có bộ lọc để dọn rác. Các cơ quan, bộ, ngành cũng phải thực hiện dọn rác, giám sát, phát hiện thông qua công nghệ.

Bộ Thông tin & Truyền thông đã có trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, phân tích, đánh giá, phân loại thông tin. Sau khi các bộ, ngành quyết định thông tin nào là rác, thông báo đến thì Bộ sẽ chỉ đạo các nhà mạng thực hiện yêu cầu gỡ bỏ, kể cả đối với mạng xã hội nước ngoài.

"Thời gian qua, Việt Nam đã mạnh tay hơn với mạng xã hội nước ngoài nên trong 10 tháng, tỷ lệ gỡ bỏ theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước đã tăng 500%", ông Hùng nói và tin tưởng khi chính quyền mạnh tay hơn, mạnh mẽ hơn, hệ thống pháp luật hoàn thiện thì không gian mạng của chúng ta sẽ lành mạnh hơn.


Hương Giang