Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 1 ngày (13/8) chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Không để xảy ra vụ việc tương tự như Vũ “nhôm”

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, nhân dân và cử tri rất bức xúc về việc nhiều vụ phạm tội có tổ chức liên quan hành vi vi phạm pháp luật của một số sỹ quan, tướng lĩnh Bộ Công an thời gian qua.

“Vụ Vũ "nhôm" là điển hình của việc cài cắm nhân cốt để từ đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn Nhà nước trao cho để phạm tội. Sau vụ Vũ "nhôm", Bộ Công an đã rà soát, kiểm tra xem còn tổ chức kiểu Vũ Nhôm hay không? Bộ có giải pháp nào để tránh tình trạng này trong thời gian tới?”, ĐB Nhưỡng chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Công an cho hay, vụ Vũ "nhôm" có liên quan đến 5 vụ án, Bộ Công an đã khởi tố điều tra và đưa ra xét xử vụ thứ nhất. Hai vị tướng Công an liên quan, trong đó có người từng là lãnh đạo bộ cũng bị xử lý theo quy định của pháp luật.

“Đây là bài học rất lớn trong công tác quản lý cán bộ và xử lý nghiệp vụ, lợi dụng hình thành các tổ chức bình phong, tạo điều kiện thuận lợi để vi phạm pháp luật”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, “đây là bài học đắt giá cho lực lượng công an”.

Theo Bộ trưởng Công an, cơ quan này chắc chắn sẽ không để tình trạng các đối tượng, tổ chức lợi dụng chức năng, quyền hạn để vi phạm pháp luật. “Chúng tôi đã có những giải pháp không để xảy ra những vụ việc tương tự như vụ Vũ "nhôm". Bộ Công an đã rà soát và chấn chỉnh”, Bộ trưởng khẳng định.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: HG

 

Cũng nhắc đến vụ việc lợi dụng chức vụ quyền hạn của cán bộ cấp cao ngành Công an gây bất bình trong nhân dân mà cụ thể là đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng vừa qua, ĐBQH Quách Thế Tản (Hòa Bình) chất vấn, tội phạm sử dụng công nghệ cao được phát hiện ngày càng nhiều. Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp để khắc phục?

Giải đáp, theo Thượng tướng Tô Lâm, bộ đã tập trung đấu tranh với vụ án cờ bạc trên mạng trong thời gian dài. Sau đó, Công an Phú Thọ phát hiện ra “mảng” của vụ án và bộ giao cho Công an Phú Thọ điều tra. Từ đó, thấy trong vụ án có liên quan đến cán bộ ngành.

“Đây là bài học xương máu của chúng tôi”, Bộ trưởng nói và cho biết, nguyên nhân là cán bộ không chịu rèn luyện thường xuyên, bị đồng tiền cám dỗ. Trong khi, mảng công nghệ cao không phải lực lượng nào cũng nắm rõ nên cán bộ đã lợi dụng để bảo kê.

Theo ông, vụ việc được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Bộ cũng đã có biện pháp chấn chỉnh. Và sau vụ án trên, các cơ quan chức năng còn phát hiện một số vụ án sử dụng công nghệ cao, thu về số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhất là trong mùa World Cup vừa qua.

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Mai Bộ về việc có xử chủ đầu tư xây dựng trong ngành Công an chiếm đoạt quỹ bảo trì các tòa chung cư không, Thượng tướng Tô Lâm khẳng định, không có vùng cấm.

“Chúng tôi đã điều tra theo đơn tố giác tội phạm và một số cư dân chung cư. Chắc chắn loại tội phạm này sẽ bị xử lý. Đối với các doanh nghiệp trong ngành Công an cũng sẽ xem xét, xử lý như các doanh nghiệp khác”, Bộ trưởng khẳng định, không có gì là không xem xét.

Đủ lực lượng, biện pháp trấn áp tội phạm

Quan tâm đến tình hình tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật diễn biến phức tạp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa phản ánh, các đối tượng hoạt động manh động, táo tợn, dã man. Gần đây nhất là vụ 2 hiệp sỹ đường phố bị đâm tử vong khi truy bắt tội phạm.

“Trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng để đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân? Mô hình hiệp sỹ đường phố truy bắt tội phạm có nên khuyến khích và nhân rộng không?”, ĐB hỏi.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa. Ảnh: HG

 

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, tội phạm cướp, cướp giật thường xảy ra ở các TP lớn. Theo thống kê, các vụ hình sự ở 5 TP lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) chiếm khoảng 25% số vụ phạm pháp hình sự toàn quốc. Số vụ phạm pháp ở TP Hồ Chí Minh hàng năm đứng đầu cả nước.

Bộ Công an đã chỉ đạo công an toàn quốc và TP Hồ Chí Minh đấu tranh với các tội phạm cướp, cướp giật. “Chúng tôi khẳng định có đủ biện pháp, đủ lực lượng để đấu tranh với loại tội phạm này. Cho nên, tỷ lệ phá các loại án này ở TP Hồ Chí Minh đã được nâng cao, đạt được một số kết quả tốt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành Công an cũng bảy tỏ, hoan nghênh các hiệp sỹ đường phố. Sắp tới ngành Công an sẽ có quy định về các tổ chức vận động nhân dân tham gia vào hoạt động phòng, chống tội phạm; hướng dẫn thực hiện đúng chủ trương, pháp luật.

Về các giải pháp thời gian tới, theo Thượng tướng, sẽ tham mưu cấp uỷ chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng ngừa, đấu tranh; tích cực tuyên truyền trong nhân dân cảnh giác, bảo vệ tài sản; làm tốt công tác quản lý đối tượng; tăng cường tuần tra kiểm soát, khép kín địa bàn; xác lập các chuyên án đấu tranh triệt phá…

ĐB Đinh Duy Vượt nêu, vừa qua, nhiều đối tượng lợi dụng các sự kiện như Formosa, dự án Luật Đặc khu, dự án Luật An ninh mạng... đã kích động, lôi kéo người dân đập phá trụ sở cơ quan công quyền một số địa phương, làm ảnh hưởng về an ninh quốc gia, hình ảnh đất nước.

“Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, trừng trị để không xảy ra những vụ việc như vậy”, ĐB Vượt nói.

Về vấn đề này, theo ông Tô Lâm, trong quá trình xử lý vụ việc tụ tập, biểu tình gây rối ở một số địa phương, lực lượng chức năng đã phát hiện có nhiều đối tượng là tội phạm hình sự, ma túy, nhiễm HIV được thuê từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi lần tham gia biểu tình.

“Các đối tượng này có hành vi rất liều lĩnh, manh động trong hoạt động gây rối, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản”, ông cho biết, tới đây ngành Công an sẽ tập trung nhiều giải pháp để nắm tình hình, đấu tranh làm thất bại âm mưu của thế lực thù địch; triển khai hiệu quả các phương án bảo đảm an ninh, an toàn; tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu đúng, không để bị kích động…

Gian lận thi cử có thủ đoạn mới, rất tinh vi

Một vấn đề nữa được các ĐB “truy” Bộ trưởng Công an là tình trạng gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) hỏi, đây là loại tội phạm gì, có mới không? Bộ có bất ngờ về loại tội phạm này? Giải pháp của Bộ trưởng chống gian lận trong các kỳ thi tới ra sao?

ĐBQH Nguyễn Anh Trí. Ảnh: HG

 

Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, bộ này đã có sự phối hợp với Công an các địa phương khởi tố 3 vụ án với tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Đó là những người tham gia vào quá trình chấm thi, quản lý bài thi, đề thi có những vi phạm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Theo Thượng tướng Tô Lâm, đây là những thủ đoạn mới, rất tinh vi. Tuy nhiên, hành vi gian lận thi cử thì không phải là mới và không phải đến 2018 mới có mà có thể đã diễn ra từ trước. “Điển hình chúng tôi cũng đã có khảo sát với những cháu có điểm đỗ vào đại học điểm rất cao, nhưng khi vào học tại các trường với yêu cầu cao thì không đáp ứng được”, Bộ trưởng nói.

Về giải pháp phòng, chống gian lận thi cử, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra quy trình để quản lý, từ khâu ra đề, tổ chức thi, chấm thi, đến tuyển sinh. “Tất cả các khâu đều phải khép kín, không để sơ hở để các đối tượng lợi dụng”.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải tiếp tục chất vấn, Bộ trưởng chưa nói rõ thời hạn điều tra và phạm vi điều tra có mở rộng ra các tỉnh khác và những năm trước nữa hay không?

Trả lời, theo Bộ trưởng, lực lượng điều tra luôn muốn tập trung, kết thúc nhanh nhưng phải đảm bảo yêu cầu chỉ ra được tội phạm. “Chưa thể nói được về thời gian, hiện chúng tôi đã khởi tố điều tra và bắt giữ các đối tượng, nếu có liên quan đến những người khác, những vấn đề khác thì vẫn phải tiếp tục điều tra chứ không thể kết thúc”, ông nói và cho rằng, phạm vi điều tra cũng vậy, nếu qua đấu tranh phát hiện các đối tượng khác ở những địa phương khác có dấu hiệu vi phạm thì sẽ tiếp tục xử lý.

“Đối với những năm trước, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp Bộ GD&ĐT kiểm tra các kết quả, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm sẽ điều tra tiếp. Tóm lại là không có giới hạn điều tra, xử lý; không để lọt bất cứ ai có liên quan đến tội phạm này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Day dứt, trăn trở vì khoảng cách giàu - nghèo

Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề cập đến chương trình giảm nghèo bền vững. Theo ông, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số rất cao. Đáng quan tâm là thu nhập bình quân đồng bào dân tộc thiểu số rất thấp, có nơi chỉ bằng 1/3 thu nhập cả nước, dẫn đến chênh lệch giàu - nghèo.

ĐB đề nghị, Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của Uỷ ban Dân tộc và giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

"Câu hỏi của ĐB là vấn đề có tầm chiến lược, là day dứt, trăn trở của nhiều cấp lãnh đạo và chính bản thân tôi”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nói và cho biết, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc chiếm hơn 52% cả nước. Thu nhập bình quân chỉ được 7-8 triệu đồng/người/năm, như vậy chỉ bằng 1/5 cả nước chứ không phải 1/3.

Ủy ban đã tham mưu với Chính phủ ban hành quyết định về chính sách đặc thù giải quyết các vấn đề hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vay vốn phát triển sản xuất. Tuy nhiên, thực hiện còn một số khó khăn, hiệu quả chưa đạt được như mong muốn.

Thấy rõ trách nhiệm của mình, Bộ trưởng nêu ra 6 giải pháp trong tâm: Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; phát triển nguồn nhân lực và giáo dục đào tạo khu vực miền núi; tạo sinh kế cho đồng bào; giải quyết ổn định vấn đề đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường; tăng cường tuyên truyền để bà con tự lực vươn lên không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nghiên cứu tích hợp các chính sách để tập trung chỉ đạo, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đồng bào dân tộc thiểu số...

“Chúng tôi thấy, các chương trình, chính sách, dự án đầu tư cho dân tộc thiểu số miền núi hiện nay có nhiều nội dung chồng chéo, thiếu tập trung, nhiều đầu mối quản lý, dẫn đến phân tán nguồn lực”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng lưu ý, những tồn tại rất chậm khắc phục. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp vấn đề này.

Trả lời, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho hay, có 13 nhóm chính sách, giao cho 14 bộ chủ trì. “ĐB nêu có nhiều đầu mối quản lý chính sách dân tộc là đúng với thực tế. Nhưng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở 51 tỉnh, ở đó diễn ra đầy đủ các mặt của đời sống xã hội nên không có một bộ nào có đủ nguồn nhân lực, điều kiện để có thể đáp ứng quản lý toàn bộ”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến. Ảnh: HG

 

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, các bộ, ngành chủ yếu là xây dựng chính sách, đôn đốc kiểm tra, còn triển khai diễn ra chủ yếu ở các địa phương. “Kết quả thực hiện tốt hay còn chưa tốt có trách nhiệm của chúng tôi nhưng vai trò chính là ở dưới địa phương”, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, nhưng thừa nhận có chính sách nhiều bộ cùng đề xuất, trùng lắp đúng.

Giải pháp được Bộ trưởng đưa ra là nên tích hợp tất cả các chương trình thành một chương trình mục tiêu quốc gia, có một ban điều hành do một Phó Thủ tướng điều hành, có bộ phận thường trực theo dõi sẽ tránh được chồng chéo và hiệu quả hơn rất nhiều...

Tham gia giải trình, theo Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, trong chỉ đạo điều hành Chính phủ đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế chính sách, bao phủ hết mọi lĩnh vực, cải thiện đáng kể hạ tầng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân; bộ mặt miền núi có nhiều đổi mới… Tuy nhiên, việc thực hiện còn một số tồn tại hạn chế.

Cho nên, để phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số, miền núi, từng bước nâng cao đời sống, thu hẹp khoảng cách phát triển, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

“Tôi đã trực tiếp đi khảo sát, làm việc chuyên đề ở trên 20 tỉnh, TP, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đồng bào, tôi thấu hiểu và chia với nhiều ý kiến mà các Bộ trưởng đã báo cáo cũng như của các ĐB”, Phó Thủ tướng nói và giao các bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá việc tích hợp chính sách, bảo đảm khoa học, thực tiễn để thực thi.


Hương Giang