Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, TP tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.

47 tỉnh, TP giảm số người chết do tai nạn giao thông

Tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, 6 tháng đầu năm tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí, giảm sâu nhất trong nhiều năm. 

Toàn quốc xảy ra 8.385 vụ TNGT (giảm hơn 7%), làm chết 3.810 người (giảm hơn 7,5%), bị thương 6.358 người (giảm hơn 9,6%) so với cùng kỳ năm 2018. "Có 47 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm và 11 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2018", ông Hùng nói.

Cũng trong 6 tháng, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã kiểm tra, xử lý gần 2 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 163.990 trường hợp, tạm giữ hơn 292.000 phương tiện. 

Đáng chú ý, lực lượng CSGT đã phát hiện xử lý 78.117 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, 239 trường hợp lái xe dương tính với ma túy.

Tuy nhiên, theo đánh gía của Ủy ban ATGT Quốc gia, tình hình trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra 19 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 73 người, bị thương 87 người, nhất là tai nạn liên quan đến xe chở khách, xe tải nặng, tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy gây nên. 

Đặc biệt, tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép, vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe... còn diễn ra khá phổ biến.

Tình hình trật tự ATGT trên các tuyến vận tải ven biển cũng diễn biến phức tạp với sự gia tăng nhanh chóng của đội tàu sông pha biển. 

“Xe dù, bến cóc” gia tăng, gây mất trật tự ATGT, cạnh tranh bất bình đẳng với xe khách tuyến cố định. Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang có xu hướng gia tăng”, ông Hùng báo cáo.

Xuất hiện “điểm đen” ngay tại cơ quan đào tạo, đăng kiểm 

Tại hội nghị, các ý kiến tập trung làm rõ tiến độ, kết quả kiểm tra việc khám sức khoẻ cho lái xe kinh doanh vận tải; xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý đối với lái xe; xử lý vi phạm xe quá khổ, quá tải… từ đó đề ra giải pháp, trách nhiệm của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để tiếp tục kéo giảm TNGT.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, đang tiến hành Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng, tước vĩnh viễn lái xe vi phạm nồng độ cồn, tăng mạnh mức phạt tiền và trao quyền xử phạt cho lực lượng trực tiếp xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, coi hình ảnh - bằng chứng người dân cung cấp làm căn cứ xử lý vi phạm; cũng như tăng áp dụng và xử lý vi phạm từ công nghệ cao để xử lý vi phạm.

Kết luận hội nghị, hoan nghênh 6 tháng đầu năm TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, số người chết và bị thương vẫn lên trên 8 nghìn người. Đặc biệt, tình trạng người nghiện ma tuý, say rượu khi lái xe phổ biến là biểu hiện không bình thường của đất nước. Thậm chí, xuất hiện “điểm đen” ngay tại cơ quan đào tạo, đăng kiểm, nguy hiểm hơn “điểm đen” bên đường…

Trước tình trạng đó, theo người đứng đầu Chính phủ, mỗi cấp, mỗi ngành phải lo lắng đến tính mạng người dân, phải coi tính mạng con người lên trên hết. Vì vậy, giảm số người chết và bị thương do TNGT là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. 

Không để bộ máy “phình to”

Thủ tướng lưu ý, cần sửa các luật theo hướng tăng mạnh mức phạt tiền với người vi phạm, tước bằng vĩnh viễn lái xe gây tai nạn do vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma tuý. Đặc biệt, tăng cường phạt nguội để giảm tiêu cực, xử phạt hiệu quả, kéo giảm TNGT. 

“Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý phương tiện. Nghiên cứu chuyển sang phạt nguội, không để bộ máy phình to. Cái này chúng ta hoàn toàn làm được, vừa giảm số lượng, vừa minh bạch”, Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ, quyết liệt triển khai hệ thống thu phí không dừng. 

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, CSGT và các cơ quan liên quan phải kiên quyết nói không với tham nhũng, tiêu cực. “Tham nhũng làm mất niềm tin trong lĩnh vực này nhiều lắm. Anh em CSGT nhiều người tốt cứu giúp người bị tai nạn, bảo đảm ATGT nhưng còn bộ phận khác phải chấn chỉnh”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão và ứng phó với những đột biến về trật tự ATGT; xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là hành vi ép lái xe phải hoạt động quá thời gian làm việc theo quy định là nguyên nhân dẫn đến vi phạm về ma tuý và ngủ gật gây ra TNGT. 

Cùng với đó, mở các cao điểm bảo đảm trật tự ATGT vào các thời gian phức tạp; chuẩn bị tốt các phương án, triển khai kế hoạch xử lý vi phạm về nồng độ cồn dịp cao điểm cuối năm 2019, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2020... 

Hương Giang