Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong phiên họp thường kỳ diễn ra cùng ngày, Chính phủ đánh giá, chúng ta đã đạt được kết quả thành công bước đầu quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao.

“Các hoạt động giám sát y tế, cách ly người đến từ vùng dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Italy... được thực hiện nghiêm”, Bộ trưởng Dũng nói.

Nhưng dịch Covid -19 đã tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, gây thiếu hụt lao động tức thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các hoạt động lưu chuyển, vận chuyển hàng hóa, hành khách, dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, ăn uống, lưu trú… bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo ông Dũng, ước tính, lượng khách du lịch lưu trú tại khách sạn giảm 60%, ngành Du lịch thiệt hại khoảng 7 tỷ USD. Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động.

“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm do tác động của dịch, một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa đạt kết quả như dự kiến, nhưng chúng ta nhận thấy kinh tế xã hội vẫn còn nhiều điểm sáng rất đáng mừng”, Người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.

Cụ thể như, thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định; CPI tháng 02/2020 giảm 0,17% so với tháng trước; xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ước đạt 37,1 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Nhập siêu khoảng 176 triệu USD.

Các ngành Công nghiệp vẫn duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá; IIP tháng 2/2020 ước tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước; IIP 2 tháng 2020 ước tăng 6,2%, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%...

Tại phiên họp nay, các thành viên Chính phủ đã thảo luận dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19.

Theo ông Dũng, Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam.

Các bộ ngành, địa phương được yêu cầu "không được chủ quan, lơ là trong chỉ đạo phòng chống dịch, tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó phù hợp, không để rơi vào thế bị động”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, tinh thần chung của chỉ thị là giao nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có địa chỉ rõ ràng để triển khai thực hiện ngay.

Trong đó, có một số giải pháp cấp bach, cần được khẩn trương thực hiện như: cân đối, đáp ưng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí…giãn nộp một số loại thuế, phí, lệ phí) đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

"Mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh phù hợp biến động giá cả"

Vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản xin ý kiến rộng rải về dự thảo nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân dựa trên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính từ tháng 7/2013 đến tháng 12/2019 là 123,2%.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân và người phụ thuộc tương ứng 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng dựa trên mức CPI nêu trên.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai

Tại phiên họp báo, phóng viên nêu, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất trên là “lạc hậu, vô cảm”. “Quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này như thế nào? Bộ có ý kiến gì về quan điểm cho rằng tính ngưỡng chịu thuế nên trên cơ sở tăng thu nhập, thay vì tính theo tốc độ tăng của CPI?”, báo chí hỏi.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết việc thay đổi mức giảm từ gia cảnh là căn cứ theo Luật số 26/2012. “Tất cả các cơ quan cũng như mọi cá nhân đều phải thực hiện nộp thuế”, bà Mai nhấn mạnh.

Bà Mai cho hay, theo Luật số 26/2012/QH13 quy định: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm), mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng; trường hợp chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20% tại thời điểm luật có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Từ đó, theo bà Mai, “nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định là căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng và mức điều chỉnh phù hợp với biến động giá cả”.

Hương Giang