Trong suốt hơn 70 năm xây dựng, trưởng thành, nhất là khi đất nước thống nhất, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thanh tra là một nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng; nó theo dõi, xem xét việc chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ”(2), hoạt động của ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra Việt Nam qua các thời kỳ luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị, thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm, chấn chỉnh quản lý, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sau ngày Chiến thắng, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các cấp các ngành, ngành Thanh tra nhanh chóng bắt tay vào quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh và kiến thiết đất nước. Trong giai đoạn này, ngành Thanh tra được đẩy mạnh cả về hoạt động và cơ cấu tổ chức. 

Ngày 10/1/1975, được sự đồng ý của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ đã ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (gồm 4 chương, 14 điều). Theo Điều lệ này, hệ thống tổ chức thanh tra được xác định bao gồm: Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, các Ủy ban Thanh tra khu, tỉnh (thành), huyện (khu phố, thị xã), các Ban Thanh tra thuộc các ngành ở Trung ương và tỉnh (thành), các Ban Thanh tra nhân dân ở các đơn vị cơ sở. Việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ chứng tỏ và khẳng định: Thanh tra, kiểm tra là một lĩnh vực công tác không thể thiếu được của Hội đồng Chính phủ trong việc tăng cường chức năng quản lý toàn diện, thống nhất trong phạm vi cả nước đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân và mọi hoạt động của đời sống xã hội.

Năm 1976, Ủy ban Thanh tra được thành lập ở tất các các tỉnh, thành ở miền Nam. Hệ thống các cơ quan Thanh tra từ Trung ương đến cấp tỉnh đã được thiết lập trên cả nước, góp phần cùng các cấp, ngành và nhân dân hoàn thành thống nhất nước nhà về mọi mặt Nhà nước.

Từ khi có Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng: Pháp lệnh Thanh tra, Pháp lệnh Khiếu nại, tố cáo của công dân, Chỉ thị về việc chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát trong xây dựng cơ bản... Bộ máy tổ chức cơ quan thanh tra đã được đẩy mạnh và tổ chức chặt chẽ từ Trung ương tới địa phương. Ban Thanh tra nhân dân ở các đơn vị cơ sở chính quyền, kinh tế, sự nghiệp được thành lập để kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra của quần chúng nhân dân với Thanh tra Nhà nước, tạo điều kiện cho nhân dân lao động thực hiện quyền làm chủ của mình.

Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2011 đến nay, nhất là khi Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 2213/QĐ-TTg, ngày 8/12/2015 về việc ban hành Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành Thanh tra đã quyết tâm đổi mới cách nghĩ, cách làm, năng động, sáng tạo, đoàn kết nhất trí nỗ lực hết mình tập trung vào nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, đồng thời tiếp tục tăng cường hoàn thiện thể chế, củng cố tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng khó khăn, phức tạp hơn.

Ngành Thanh tra đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật là: Hoạt động thanh tra đã gắn với hoạt động quản lý Nhà nước và phục vụ quản lý Nhà nước; phát huy được vai trò chủ trì tham mưu trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; thực hiện đúng vai trò chủ đạo trong việc tham mưu triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Luật Phòng, chống tham nhũng; Kế hoạch phòng, chống tham nhũng của Chính phủ và Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng…

Trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì vị thế, trách nhiệm và đóng góp của ngành Thanh tra lại càng lớn hơn. Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013), khẳng định:

1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. 

3. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp(3).

Đối với Chính phủ, tại Điều 96 Hiến pháp sửa đổi, khi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Khoản 5 có nêu: “… Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy Nhà nước…”. Như vậy, Chính phủ thực hiện quyền kiểm soát quyền lực Nhà nước thông qua việc tổ chức công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy Nhà nước, bao gồm cả các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Cùng với cơ chế kiểm tra, giám sát khác, công tác thanh tra đã đóng vai trò trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, nhất là giữ vững được kỷ cương của nền hành chính. Hoạt động thanh tra của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước là một loại tự kiểm soát quyền lực trong nội bộ hệ thống, do các cơ quan chuyên trách - cơ quan thanh tra thực hiện đối với các bộ phận của hệ thống hành chính từ trên xuống dưới. Do đó, thanh tra thực sự trở thành một công cụ sắc bén trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Quán triệt sâu sắc tinh thần ấy, ngành Thanh tra không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả trong hoạt động, làm cho hoạt động thanh tra thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, là phương thức hữu hiệu, sắc bén trong việc phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, góp phần tích cực hơn nữa vào việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Điểm nhấn trong những năm gần đây là ngành Thanh tra tập trung làm tốt một số vấn đề như: Xây dựng và hoàn thiện thể chế về thanh tra, khiếu nại, tố cáo; chủ động thanh tra theo kế hoạch, nắm chắc tình hình, thanh tra đột xuất, kịp thời, phù hợp với thực tiễn; kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp. 

Một trong những thành tích nổi bật và khẳng định vai trò của ngành Thanh tra Việt Nam những năm gần đây là đóng góp tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng: Toàn ngành tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Trong đó, Thanh tra Chính phủ giúp Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6; xây dựng, hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”; ban hành Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2018; tham gia và tổ chức nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; thực hiện nhiều nhiệm vụ theo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. 

Công tác thanh tra đã sớm xây dựng kế hoạch và triển khai các cuộc thanh tra đúng theo nội dung, yêu cầu và định hướng, kế hoạch được phê duyệt; triển khai nhiều cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng cơ quan Nhà nước cùng cấp; hoạt động thanh tra hành chính và chuyên ngành được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra; kết quả nhiều cuộc thanh tra do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao và dư luận xã hội quan tâm được đánh giá cao. Qua thanh tra, Ngành đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm pháp luật, tiêu biểu như vụ AVG, cảng Quy Nhơn, Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2…

Tóm lại, những đóng góp của ngành Thanh tra Việt Nam sau 74 năm qua, nhất là sau 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 được khái quát toàn diện trong Chiến lược phát triển ngành Thanh tra giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến 2030, đó là: “Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Thanh tra Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, Ngành luôn chủ động bám sát mọi chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao. Kết quả công tác thanh tra đã giúp phát hiện những bất cập, hạn chế nảy sinh trong cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trên cơ sở đó, ngành Thanh tra đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kiến nghị với các ngành, các cấp nhằm chấn chỉnh hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, qua đó, hoàn thiện cơ chế quản lý trên mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Ngành Thanh tra cũng đã phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật xảy ra trên nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước, qua đó giúp thu hồi tiền, tài sản về cho Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân và góp phần duy trì trật tự, kỷ cương xã hội”.

Phát huy giá trị lịch sử và thời đại của 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 và truyền thống vẻ vang 74 năm ngành Thanh tra cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành là động lực, hành trang để ngành Thanh tra phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới.

Những mốc son lịch sử của ngành Thanh tra

Ngày 23/11/1990: Thanh tra Nhà nước tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống của ngành Thanh tra. Tại buổi lễ, đồng chí Lê Quang Đạo, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành Thanh tra.

Ngày 28/9/2010 tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống, đón nhận Huân chương Sao Vàng và Đại hội thi đua yêu nước của ngành Thanh tra lần thứ III.

Ngày 21/9/2015: Tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV. Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng ngành Thanh tra Việt Nam Huân chương Độc lập hạng Nhất nhằm ghi nhận những thành tích 70 năm qua toàn ngành đã đạt được.


Chú thích:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.202-203.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.35.

(3) Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013.


TS. Hà Sơn Thái
Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng