1. Tổ chức, xây dựng lực lượng Thanh tra là nhiệm vụ trước mắt lâu dài của chính quyền cách mạng. Bắt tay vào lãnh đạo xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ chưa từng có trong lịch sử Việt Nam và cả lịch sử thế giới (trừ Liên Xô) là một khó khăn, thử thách lớn lao đối với Đảng ta. Tuy nhiên, với một Đảng đã được tôi luyện trong hơn 15 năm lãnh đạo chuẩn bị và tiến hành Tổng khởi nghĩa toàn quốc thành công - Một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, đúng như lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới V.I.Lênin đã dạy: “Không bao giờ được đùa với khởi nghĩa”, rằng “một khi đã bắt đầu khởi nghĩa thì phải hết sức quyết tâm hành động và dù sao cũng tuyệt đối phải chuyển sang tấn công. Phòng ngự là con đường chết của khởi nghĩa vũ trang”(1) đủ để khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng ta, trong đó có lãnh đạo công tác thanh tra.

Nhận rõ tính cấp thiết phải thành lập lực lượng thanh tra để kiểm tra, thanh tra việc chấp hành 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra trong ngày 3/9/1945, trong các ngày 21, 22, 23 tháng 6/1946, Nghị quyết của toàn kỳ đại biểu Khoách đại (Nghị quyết của Xứ ủy Trung kỳ - BBT), một mặt, Đảng ta chủ trương “Đảng đoàn hay Việt Minh đoàn trong các uỷ ban hành chánh kỳ, tỉnh phải đề nghị đặt ngay các ban thanh tra đi củ soát ráo riết các cấp dưới, nhất là các xã, sửa chữa sai lầm địa phương, trừng trị những phần tử lạm dụng phá hoại chính sách và uy tín của Chính phủ và Việt Minh”(2). Để hoàn thành nhiệm vụ đó, Đảng ta cũng chủ trương xây dựng đội ngũ làm công tác thanh tra có đủ phẩm chất và năng lực trong thi hành công vụ, chú trọng xây dựng đạo đức công vụ cho lực lượng này: “các nhân viên thanh tra phải công minh nhận xét nhưng phải biết giữ uy tín của Chính phủ và tôn trọng lòng hy sinh của đồng bào cũng như thành tích rực rỡ của chính quyền nhân dân bấy lâu, không được mạt sát một cách vô chính trị để cho bọn tay sai của địch lợi dụng mà chia rẽ nhân tâm”(3).

Mặt khác, trong Nghị quyết, Đảng cũng chủ trương phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, sự quản lý thống nhất của Chính phủ đối với công tác thanh tra, để ngành Thanh tra không những hoàn thành nhiệm vụ được giao, mà còn giữ được tính Đảng, tính giai cấp công nhân và tăng cường đoàn kết nội bộ trong quá trình thực thi công vụ. Vì vậy, Nghị quyết khẳng định: “Vậy muốn cho ban thanh tra ấy làm việc đúng đắn, các cấp bộ đảng và Việt Minh phải thành thực giúp đỡ ý kiến và kiểm tra nó trong hành động và lời nói. Các đồng chí trong ban thanh tra đi đến đâu phải trực tiếp với cấp bộ đảng và Việt Minh địa phương để tránh những nhận xét sai lầm. Nếu xảy xung đột ý kiến, thì lập tức báo cáo lên cấp trên giải quyết, không được chỉ trích nhau lung tung gây hoang mang trong quần chúng”(4).

2. Nhất quán và hiện thực hóa, luật hóa chủ trương lớn trên của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký “Sắc lệnh số 64, ngày 23/11/1945, về việc thành lập và quy định quyền hạn Ban thanh tra đặc biệt và Toà án đặc biệt”(5). Đây là sự kiện đặc biệt đánh dấu sự ra đời của ngành Thanh tra; không những thế, đó là sự quan tâm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành. Sắc lệnh chỉ rõ:

Về nhiệm vụ của Ban thanh tra, Điều I của Sắc lệnh quy định: “Chính phủ sẽ lập ngay một Ban thanh tra đặc biệt, có uỷ nhiệm là đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của các Uỷ ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ”(6).

Về quyền hạn của Ban thanh tra, Điều II của Sắc lệnh quy định:

“Ban thanh tra đặc biệt có toàn quyền:

- Nhận các đơn khiếu nại của nhân dân;

- Điều tra, hỏi chứng, xem xét các tài liệu giấy tờ của các Uỷ ban nhân dân hoặc các cơ quan của Chính phủ cần thiết cho công việc giám sát;

- Đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Uỷ ban nhân dân hay của Chính phủ đã phạm lỗi trước khi mang ra Hội đồng Chính phủ hay Toà án đặc biệt xét xử;

- Tịch biên hoặc niêm phong những tang vật và dùng mọi cách điều tra để lập một hồ sơ mang một phạm nhân ra Toà án đặc biệt.

- Ban thanh tra có thể truy tố cả các việc đã xẩy ra trước ngày ban bố Sắc lệnh này.

Ban thanh tra có quyền đề nghị lên Chính phủ những điều cần sửa đổi trong các cơ quan”(7).

Như vậy, sớm dự liệu được trước những khó khăn, thử thách trong xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trong thời đoạn 1945-1946, Đảng ta đã có nhiều chủ trương quyết sách lớn, trong đó có việc thành lập ngành Thanh tra và cùng với các ngành khác nhanh chóng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng làm cơ sở vững chắc để Đảng, Chính phủ cùng toàn dân, toàn quân ta vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” sau “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, đối chiếu với các chủ trương lớn của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước ta hiện nay về ngành Thanh tra mới thấy hết tư duy lãnh đạo nhạy bén, năng lực quản trị quốc gia được thể hiện qua những chủ trương sáng suốt, chính sách đúng và kịp thời của Đảng và Chính phủ ta ở thời điểm cam go của lịch sử 74 năm trước: “Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó đã được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lêninnít”(8).

3. Có thể khẳng định chắc chắn rằng, trong điều kiện vô cùng khó khăn và trong thời gian rất ngắn, Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ trương sáng suốt, vừa vững vàng về nguyên tắc, vừa mềm dẻo về sách lược, lãnh đạo đã tăng cường được thực lực cách mạng, xây dựng, củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng, bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh hiểm trở trong những năm 1945-1946, chuẩn bị điều kiện và lực lượng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta ôn lại những chiến công oanh liệt, truyền thống vẻ vang và chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong những năm tháng hào hùng của Cách mạng tháng Tám, của thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Tiếp tục phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, nhận thức sâu sắc mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và ủng hộ của nhân dân, ngành Thanh tra quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Bác Hồ giao cho: “Thanh tra là một nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng; nó theo dõi, xem xét việc chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ”(9).

----------------
(1) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 34, Nhà xuất bản  Tiến Bộ, Mátxcơva, 1976, tr.502
(2) (3) (4) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.91-92; tr.92; tr.92
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, 562
(6) (7) Dẫn theo https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Sac-lenh-64-thiet-lap-Ban-thanh-tra-dac-biet-35913.aspx
(8) Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.33
(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.36

Trung tá, TS Hà Sơn Thái
Phó Chủ nhiệm Chính trị, Lữ đoàn 543, Quân khu 2