Tại cuộc họp trực tuyến, hai bên đã cùng trao đổi, nhìn nhận, đánh giá lại các nội dung hợp tác kinh tế, thương mại chính, cụ thể trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, máy móc công nghiệp, dệt may, da giày, khai thác mỏ... và khẳng định quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Italia đã có những bước phát triển tích cực trong những năm gần đây.

Chia sẻ tại cuộc họp trực tuyến, Thứ trưởng Việt Nam Hoàng Quốc Vượng cho biết, nền kinh tế Việt Nam và Italia vừa có tính tương đồng, vừa có tính bổ trợ lẫn nhau về ngành hàng và sản phẩm. Đây là lợi thế lớn nhất trong hợp tác giữa hai nước. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước, trong đó, cơ hội dành cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa của Italia tiếp cận những thị trường mới cũng rất lớn.

Do vậy, Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp Italia đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ dệt may, da giày của Việt Nam – lĩnh vực mà Italia có thế mạnh về công nghệ, kinh nghiệm để tận dụng những ưu đãi từ EVFTA mang lại.

Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao & Hợp tác Quốc tế Italia Manlio Di Stefano đã cám ơn những hỗ trợ giúp đỡ quý báu và đúng thời điểm của Việt Nam và đặc biệt là Bộ công Thương trong quá trình Italia chống bệnh dịch thời gian vừa qua. “Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất và năng động nhất ở châu Á và đặc biệt trong khối các nước ASEAN. Italia đánh giá cao việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và mong muốn trở thành Đối tác Phát triển của ASEAN, đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”, ông Manlio Di Stefano nhấn mạnh.

Tại cuộc họp trên hai bên đã thống nhất ký kết Thỏa thuận thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế thay thế cho Ủy ban trước đây giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ phát triển kinh tế Italia do phía Italia có thay đổi về mặt chức năng của các Bộ.

Việc thành lập Ủy ban Hỗn hợp mới giúp cho hai bên duy trì cơ chế hợp tác cấp cao vô cùng hiệu quả và thiết thực trong những năm qua góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên tăng nhanh với tốc độ trung bình từ 15-20% mỗi năm trong đó Việt Nam liên tục duy trì xuất siêu.

Phương Hiếu