Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia tiếp giáp Vịnh Bắc Bộ.

Ngày 25/12/2000, hai nước đã ký Hiệp định về phân định Vịnh Bắc Bộ (có hiệu lực từ ngày 30/6/2004) để xác định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mỗi nước trong Vịnh Bắc Bộ.

“Việt Nam cho rằng quốc gia ven biển cần tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) khi xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác, bao gồm quyền tự do hàng hải và quyền quá cảnh qua các eo biển sử dụng cho hàng hải quốc tế, phù hợp với UNCLOS 1982”, Người Phát ngôn nêu rõ.

Người Phát ngôn khẳng định, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục trao đổi quan điểm với Trung Quốc về vấn đề này trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ ký năm 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc và UNCLOS 1982.

Đồng thời, Việt Nam bảo lưu quyền và lợi ích pháp lý của mình theo luật pháp quốc tế cũng như quan điểm như đã nêu tại Tuyên bố ngày 06/6/1996 của Chính phủ Việt Nam liên quan đến Tuyên bố ngày 15/5/1996 của Chính phủ Trung Quốc công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

Cần tỉnh táo trước những lời mời chào ra nước ngoài làm việc

 Cũng tại họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã thông tin về vụ việc hơn 100 công dân Việt Nam bị bắt giữ tại Campuchia do đánh bạc tại tại Sihanoukville và 18 người Việt bị Thái Lan bắt giữ do điều hành đường dây cá cược trực tuyến tại Bankok gần đây.

Về vụ việc công dân Việt Nam bị Campuchia bắt giữ do đánh bạc, Người Phát ngôn Phạm Thu Hằng dẫn thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tại Sihanoukville, ngày 9/3 vừa qua, hơn 100 công dân Việt Nam làm việc trái phép tại một cơ sở lừa đảo đánh bạc trực tuyến đã bị các cơ quan chức năng Campuchia bắt giữ và trục xuất.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, ngày 11/3, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville đã phối hợp với các cơ quan chức năng phía Campuchia và trong nước tiến hành các thủ tục lãnh sự tiếp nhận số công dân này qua cửa khẩu quốc tế Prek Chak - Hà Tiên.

Liên quan đến việc 18 công dân Việt Nam bị Thái Lan bắt giữ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để tìm hiểu thông tin và xác minh nhân thân của những người này.

Theo thông tin của Đại sứ quán, 18 công dân bị bắt giữ do hành vi tham gia tổ chức trò chơi, trò lừa đảo; giúp quảng cáo hoặc mời gọi trực tiếp, gián tiếp người khác chơi; đánh bạc thông qua các phương tiện điện tử mà không được phép của cơ quan chức năng.

Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan vẫn tiếp tục theo dõi sát vụ việc và đề nghị các cơ quan chức năng sở tại bảo đảm quyền, lợi hợp pháp của công dân Việt Nam, Người Phát ngôn cho biết.

Người phát ngôn nói: "Trong suốt thời gian qua chúng ta đã từng chứng kiến và được thông tin về rất nhiều vụ việc tương tự. Bộ Ngoại giao một lần nữa khuyến cáo công dân Việt Nam cần tỉnh táo trước những lời mời chào ra nước ngoài làm việc theo kiểu việc nhẹ, lương cao và không yêu cầu phải bằng cấp, trình độ, không có hợp đồng ký kết, không có thông qua doanh nghiệp cũng như là các tổ chức phái cử lao động".

Công dân cần phải tìm hiểu kỹ về nội dung công việc, đơn vị, địa điểm làm việc và thân nhân người giới thiệu, chế độ bảo hiểm, quyền lợi được hưởng để có quyết định đúng đắn trước khi mà ra làm việc tại nước ngoài, Người Phát ngôn lưu ý.

Tôn trọng hệ thống chính trị của mỗi nước

 Liên quan đến những định hướng hợp tác nổi bật của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Australia, Người Phát ngôn Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việc Việt Nam và Australia nâng cấp quan hệ là bước phát triển tự nhiên, phù hợp với tầm mức quan hệ giữa hai nước”.

Mới đây, trong chuyến thăm chính thức Australia vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Việt Nam và Australia đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Australia.

Tuyên bố chung đề ra 6 phương hướng hợp tác lớn trong thời gian tới giữa Việt Nam và Australia, trên cả bình diện song phương và trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Việt Nam và Australia cam kết tiếp tục phát triển quan hệ trên tất cả các lĩnh vực và thúc đẩy mối quan hệ được nâng cấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng hệ thống chính trị của mỗi nước.

Việc Việt Nam và Australia nâng cấp quan hệ là bước phát triển tự nhiên, phù hợp với tầm mức quan hệ giữa hai nước sau hơn 50 năm xây dựng và phát triển, vì lợi ích và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Theo Người Phát ngôn, kết quả này cũng chính là bước triển khai thiết thực chủ trương đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Việt Nam, trong đó có việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, hướng tới phục vụ thiết thực mục tiêu phát triển, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao uy tín, vị thế đất nước; đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

“Trước sau như một, Việt Nam kiên định triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chính sách quốc phòng bốn không, phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

Thanh Thanh