Theo nhà báo Gerhard Feldbauer, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích sâu sắc và toàn diện con đường mà Việt Nam đã lựa chọn từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

Bài báo thứ nhất với nhan đề "Về các nguyên tắc của CNXH", đề cập cụ thể tới bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định con đường và mục tiêu đi lên CNXH của Việt Nam.

Theo tác giả Gerhard Feldbauer, Báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, dịp 19/5 vừa qua đã đăng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó nêu rõ, ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập năm 1930, Cương lĩnh Chính trị đã đưa ra chủ trương tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến lên CNXH, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa theo điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Nhà báo Gerhard Feldbauer nhận định mục tiêu này chưa bao giờ thay đổi. Tác giả dẫn bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định đi lên CNXH là yêu cầu khách quan và là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Marx-Lenin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có CNXH và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người.

Ông Gerhard Feldbauer nhấn mạnh, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích rõ thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản không thể giải quyết được những vấn đề xã hội. Thực tế ở các nước phương Tây cho thấy hệ thống đa đảng thực chất vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản, đời sống chính trị bị đồng tiền chi phối, quyền lực của nhân dân bị lấn át. Nhà báo Đức cho rằng bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách Đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bài báo thứ hai đề cập tới những thành tựu trên các mặt kinh tế - xã hội - giáo dục... ở Việt Nam, đặc biệt kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới năm 1986.

Theo tác giả, sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô - Đông Âu tan rã, Việt Nam đã mở rộng hợp tác với các nền kinh tế tư bản nhằm mục đích thu hút đầu tư, đảm bảo nhập khẩu và tiếp cận với các thị trường xuất khẩu mới. Việt Nam đã từng bước thiết lập các thỏa thuận hợp tác song phương, gia nhập Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Mới đây, Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), giúp Việt Nam có thể mở rộng vị thế là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN. Giá trị hàng xuất khẩu cao gấp nhiều lần so với nhập khẩu và đây là minh chứng cho thấy, Việt Nam không những là nhà cung cấp nguyên liệu mà còn là công xưởng sản xuất quan trọng.

Nhà báo Gerhard Feldbauer nhấn mạnh rằng, trên con đường đi lên CNXH, Việt Nam từ một nước nông nghiệp đang vươn mình trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Với tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 6-8%, Việt Nam thuộc nền kinh tế phát triển mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu của Viện Thống kê Statista, nếu năm 2002, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 550 USD thì năm 2019 đã tăng lên 3.400 USD, cho thấy mức lương trung bình và tối thiểu đã tăng lên trong khi tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức thấp. Người dân Việt Nam giờ đây đã có một cuộc sống tốt đẹp hơn, nguồn cung cấp thực phẩm cơ bản được đảm bảo, thanh niên được tạo mọi cơ hội học tập. Riêng TP Hồ Chí Minh, với dân số khoảng 9 triệu người, đã có khoảng 50 trường đại học.

Ông Gerhard Feldbauer cho rằng trong lĩnh vực hợp tác kinh tế và khoa học - kỹ thuật, một số chính phủ phương Tây luôn tìm cách tạo ưu thế cho khu vực tư bản tư nhân và làm xói mòn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản hòng phá hoại con đường đi lên CNXH của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam luôn làm thất bại mọi âm mưu xâm phạm tới chủ quyền kinh tế và quyền kiểm soát nền kinh tế của mình. Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đã có hơn 5,1 triệu đảng viên, trong đó 60% là thanh niên. Điều đó đã phủ nhận quan điểm phổ biến ở phương Tây cho rằng giới trẻ Việt Nam không còn quan tâm đến CNXH. 

GS Günter Giesenfeld chuyển ngữ sang tiếng Đức toàn văn bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

GS.TS người Đức, ông Günter Giesenfeld - Chủ tịch Hội Hữu nghị với Việt Nam, vui mừng thông báo ông cùng vợ là bà Marianne Ngo đã hoàn thành bản dịch sang tiếng Đức toàn văn bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, qua đó giúp bạn đọc người Đức có thể tiếp cận và hiểu rõ hơn về CNXH cũng như con đường mà Việt Nam đã lựa chọn.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Đức, GS Günter Giesenfeld cho biết, ngay khi được tiếp cận với bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đọc những đoạn đầu tiên, ông đã rất tò mò về nội dung bài viết, bởi bài viết đặt ra những vấn đề mà những người quan tâm thường phải đi tìm câu trả lời như CNXH là gì, vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được CNXH ở Việt Nam.

GS Giesenfeld cho rằng, đây thực sự là bài viết "đặc biệt" mà ông từng được biết tới của một nhà lãnh đạo Việt Nam. Bài viết thực sự phong phú về nội dung, từ đánh giá các hình thức xã hội của phương Tây, lịch sử Việt Nam và chính sách Đổi mới, tình hình kinh tế hiện tại với rất nhiều số liệu, thông tin về Đảng Cộng sản Việt Nam...

Ông nhấn mạnh bài viết không chỉ nêu những nhiệm vụ, kế hoạch công tác của Đảng và Chính phủ, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giải thích để mọi người có thể hiểu rõ hơn những vấn đề như con đường đi lên CNXH có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam, hay hình thù mô hình đó như thế nào...

GS Giesenfeld chia sẻ rằng, trước đây, ông thường dịch sang tiếng Đức các tác phẩm văn học đương đại của Việt Nam và việc dịch thuật thường trải qua một quy trình khá phức tạp, tập trung và kéo dài, có sự đối chiếu, chỉnh sửa và kiểm tra chặt chẽ so với nguyên bản. Một bản dịch chuẩn xác chỉ có thể được quyết định trong bối cảnh toàn bộ câu chuyện hoặc trong hoàn cảnh cụ thể. Trong quá trình dịch thuật, đối với những đoạn khó, đôi khi ông cũng đặt câu hỏi trực tiếp qua email với các tác giả và thường được trả lời chi tiết.

Ngay khi được tiếp cận bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông đã lập tức bắt tay vào việc chuyển ngữ bởi bản thân nhận thấy đây là một bài viết quan trọng, một văn bản mà phần lớn nội dung đòi hỏi sự tư duy. Theo GS Giesenfeld, việc chuyển ngữ bài viết cũng gặp một số khó khăn ở cách dùng từ với những ý nghĩa khác nhau trong các ngữ cảnh khác nhau hay một số thành ngữ, thuật ngữ kinh tế và chính trị. Do thời gian gấp gáp, ông cùng vợ đã miệt mài làm việc, tìm hiểu và tra cứu để hoàn thành bản dịch sang tiếng Đức một cách tối ưu và chuẩn xác nhất so với bản gốc.

GS Giesenfeld quyết định sẽ đăng bản dịch tiếng Đức bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên trang web của Hội Hữu nghị với Việt Nam (FG Vietnam), đồng thời cũng sẽ xuất bản bản tiếng Đức trên Tạp chí Vietnam Kurier của hội số ra tiếp theo.

Được biết, GS.TS Günter Giesenfeld, sinh năm 1938 và hiện sinh sống ở thành phố Marburg, là nhà ngữ văn Đức, nhà khoa học về phim ảnh và truyền thông, giảng viên đại học, dịch giả và đạo diễn phim. Ông giữ chức Chủ tịch Hội Hữu nghị với Việt Nam hàng chục năm nay và hiện là Chủ biên Vietnam Kurier, tạp chí chuyên về Việt Nam, được xuất bản mỗi năm 3 số.

Mạnh Hùng - Vũ Tùng 

Mạnh Hùng