Theo Thông tư 46/2018/TT-BYT, đến hết năm 2023, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện hạng I trở lên phải triển khai bệnh án điện tử; từ năm 2024 - 2028, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Tuy nhiên, theo đánh giá, quá trình triển khai bệnh án điện tử rất chậm. Theo dữ liệu cải cách hành chính từ website Bộ Y tế, tính đến ngày 20/5, hiện cả nước mới có hơn 82 đơn vị trên tổng số khoảng 1.400 bệnh viện công lập và tư nhân tham gia bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy. Trong đó hầu hết là các bệnh viện địa phương và tư nhân, bệnh viện tuyến Trung ương còn rất ít.

Tại TP Hà Nội có Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. TP Hồ Chí Minh có 3 bệnh viện: Bệnh viện Y dược TP Hồ Chí Minh (cơ sở 1), Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia, Bộ Y tế, bệnh án điện tử là mắt xích cốt lõi trong chuyển đổi số, từ đó giúp bệnh viện quản lý minh bạch, hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Thế nhưng, việc triển khai bệnh án điện tử đến nay còn chậm.

Qua đánh giá có nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng quan trọng nhất vẫn là nhiều bệnh viện đã lập đề án song không có kinh phí nên không triển khai đồng bộ mà triển khai từng phần, dẫn đến tiến độ bị chậm. Hiện các bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, hầu hết nguồn lực của bệnh viện đầu tư cho khám bệnh, chữa bệnh, không còn nhiều nguồn lực dành cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Để triển khai được bệnh án điện tử cần tiến hành 3 lộ trình cơ bản, gồm: Số hoá, quản lý dữ liệu và tích hợp liên thông. Đa phần các đơn vị triển khai được lộ trình số hoá và tạo lập quản lý dữ liệu. Thế nhưng, phần liên thông đòi hỏi nhiều yếu tố về hạ tầng, chữ ký số, phần mềm bổ trợ và nhiều vấn đề khác với nguồn kinh phí đầu tư lớn.

Theo các bệnh viện, để triển khai bệnh án điện tử, cần phải có nguồn kinh phí lớn đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin, nhân lực… Trong khi nguồn này rất khó khăn với các bệnh viện tự chủ, vì chi phí cho công nghệ thông tin chưa được đưa vào cơ cấu giá của dịch vụ kỹ thuật thực hiện, nên nhiều nơi vẫn còn “loay hoay” xoay xở vốn.

Theo tính toán, trung bình, để triển khai bệnh án điện tử, cần đầu tư số tiền hơn 10 tỷ/bệnh viện. Với những bệnh viện quy mô lớn như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức…, số tiền đầu tư còn lớn hơn rất nhiều. Đây chính là trở ngại khiến cho việc triển khai bệnh án điện tử ở các đơn vị còn chậm.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã yêu cầu toàn ngành Y tế phải đẩy mạnh chuyển đổi số: Thúc đẩy thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy; triển khai đơn thuốc điện tử; đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến; chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân, người bệnh, sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip, nhận dạng sinh trắc học khi đăng ký và trong quá trình khám, chữa bệnh. Đến hết năm 2025, tất cả bệnh viện trên cả nước phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, để thực hiện chuyển đổi số y tế, trong tương lai gần, Bộ Y tế sẽ phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan Nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao theo quy định của pháp luật để triển khai Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo thực hiện các giải pháp, phương án kỹ thuật phát triển hạ tầng số y tế của địa phương; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành (khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, nhân lực, thiết bị y tế, dược) phù hợp định hướng phân cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương.

Phương Anh