Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, thực tế đặt lịch khám chữa bệnh qua mạng không phải là vấn đề mới. Một số đơn vị, địa phương đã có phát triển hệ thống này, tuy nhiên, theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, các bệnh viện đang "làm manh mún".

Ông Khuê cho biết, hiện hệ thống này chưa triển khai được trên toàn quốc do phụ thuộc nhiều yếu tố. Đơn cử, hiện nay mỗi đơn vị (đã triển khai) lại có một nhà cung ứng dịch vụ khác nhau, hồ sơ không được chia sẻ giữa các đơn vị, bệnh viện mà chỉ sử dụng riêng trong cơ sở y tế riêng rẽ. Vì thế, nền tảng không được sử dụng chung.

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - nơi nổi tiếng với hệ thống khám chữa bệnh/hội chẩn trực tuyến từ xa - nhưng tỷ lệ người dân đặt lịch cũng rất thấp. Bệnh nhân vẫn chọn giải pháp trực tiếp đến viện xếp hàng từ 4-5h sáng.

Hơn nữa, tại các bệnh viện khi triển khai thực hiện lại không gắn kết bất cứ chương trình điều trị nào từ ngoại trú hay các hoạt động khác.

Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng chia sẻ thêm, thực tế, hiện nay, Bảo hiểm xã hội đã quản lý được toàn bộ thông tin của người dân đi khám, điều trị trên toàn quốc thông qua sổ bảo hiểm y tế và mã số bảo hiểm xã hội. Mỗi người dân có thể tải sổ sức khoẻ điện tử về điện thoại của mình để theo dõi thông tin sức khoẻ. Điều đáng nói, những thông tin trên hồ sơ sức khoẻ này đang dừng ở dạng "tĩnh".

Vì thế, hồ sơ sức khoẻ điện tử này phải gắn với 42 mẫu bệnh án điều trị ở nhiều chuyên khoa. Hệ thống hồ sơ sức khoẻ và hệ thống đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến này cần kết nối với các dịch vụ y tế khác khác (nội trú, tiêm chủng mở rộng…).

“Đặc biệt tới đây, việc quản lý người đã được tiêm vắc xin  phòng COVID-19 cũng phải kết nối và được "điện tử hoá" đồng thời liên thông với hồ sơ sức khoẻ của người dân, nhằm quản lý sức khoẻ suốt đời”, ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến sẽ hạn chế được tình trạng "2 tháng khám 80 lần" như báo chí vừa phản ánh".

Theo người đứng đầu ngành Y tế, mục tiêu lớn nhất của hồ sơ sức khoẻ này là "một bệnh án dùng chung" cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh mọi tuyến. Khi bệnh nhân chọn chuyển tuyến, bác sĩ khám tại các tuyến khác đều nhận được thông tin chuyển tuyến này, bảo đảm không ngắt quãng và liên thông dữ liệu về thông tin sức khoẻ người bệnh sau mỗi lần khám, điều trị, những nội dung cần lưu ý, chống chỉ định… trong đơn thuốc.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý, với những cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến, Bộ Y tế sẽ phối hợp để kết nối liên thông, tích hợp với hệ thống mới đang xây dựng. Hệ thống mới đang xây dựng này được cung cấp miễn phí cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Tất cả dữ liệu do Bộ Y tế quản ý.

Bộ Y tế đã thống nhất với Bảo hiểm xã hội, từ 1/7 năm nay, khám chữa bệnh ngoại trú phải triển khai hệ thống này để được thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Điều này có nghĩa là, nếu các cơ sở khám, chữa bệnh không triển khai thực hiện hệ thống mới này sẽ không được thanh toán chi phí dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoại trú.

“Quy định hơi mạnh" nhưng "với ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế phải mạnh và quyết liệt mới triệt để được". Nếu tiếp tục để tình trạng "trăm hoa đua nở" như hiện nay thì dữ liệu y tế không thể liên thông và đồng bộ được. Khi dữ liệu được đồng bộ và quản lý tập trung thì việc áp dụng trí tuệ nhân (AI) và big data (dữ liệu lớn) sẽ trở nên thuận lợi hơn, đáp ứng được tiến trình chuyển đổi sổ trong lĩnh vực y tế, tiến tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Phương Anh