Báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS cho thấy, trong giai đoạn 2007 - 2013, số trường hợp nhiễm HIV, chuyển sang AIDS và tử vong giảm 50 - 60% so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, số lũy tích người nhiễm HIV/AIDS vẫn tăng lên và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên gánh nặng về bệnh tật của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, những can thiệp trong những năm qua chưa đủ rộng để khống chế dịch. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử là rào cản lớn trong việc sử dụng các dịch vụ về HIV/AIDS. Bên cạnh đó, độ bao phủ xét nghiệm và độ bao phủ điều trị còn thấp. Nguồn tài trợ quốc tế giảm sút nhanh trong khi đầu tư trong nước chưa tăng thêm.

Trong trường hơp tối ưu hóa đáp ứng với dịch HIV/AIDS để thực hiện các mục tiêu quốc gia, Việt Nam có thể kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 nếu đầu tư sáng suốt.

Hiên tại, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn chưa khống chế được dịch AIDS. Nếu không tiếp tục cố gắng nhiều hơn, dịch AIDS sẽ bùng phát trở lại. Không một quốc gia nào tránh được HIV/AIDS và việc phòng, chống HIV/AIDS là việc phải làm. Do vậy, việc đầu tư cho phòng, chống AIDS ngay bây giờ (khi dịch còn tập trung) sẽ rất hiệu quả về chi phí, vừa cứu nhiều sinh mạng, ông Long khẳng định.

Nằm trong khuôn khổ hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước Asean lần thứ 12 được tổ chức tại Việt Nam, hội nghị khu vực với chủ đề: “Tài chính bền vững cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại các nước Asean”  là một nỗ lực mới của Việt Nam nhằm tạo cơ hội tốt để Việt Nam cùng các nước có thể chia sẻ, học  hỏi các kinh nghiệm của nhau trong quá trình tìm kiếm những giải pháp khả thi, nhằm đảm bảo tài chính cho việc duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của mỗi nước, cũng như trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Asean.

Phương Anh