Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, mở rộng bao phủ BHYT đối với khu vực lao động phi chính thức là thách thức mà Việt Nam nói riêng và ASEAN + 3 nói chung đã và đang phải đối mặt. Đây cũng là mục tiêu quan trọng mà Việt Nam phải đẩy nhanh thực hiện trên con đường tiến tới bao phủ BHYT toàn dân. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam cũng như các nước trong khối ASEAN đang phải đối mặt với thách thức trong việc mở rộng bảo phủ BHYT đối với khoảng 30% dân số còn lại, chủ yếu thuộc khu vực phi chính thức.

Việt Nam xác định, BHYT là một cơ chế tài chính y tế bền vững quan trọng phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân nhằm đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Trên lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, Việt Nam đã đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 69% dân số năm 2013. Cùng với mở rộng bao phủ, tỷ lệ chi từ quỹ BHYT trong tổng chi y tế cũng gia tăng qua các năm.

Từ khi bắt đầu thực hiện chính sách BHYT, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến các đối tượng người nghèo và dễ bị tổn thương. Từ năm 2006, 100% người nghèo và người dân tộc thiểu số đã được bao phủ BHYT thông qua nguồn thu ngân sách. Luật BHYT sửa đổi vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 13/6/2014 đã quyết định kể từ 1/1/2015, người nghèo và người dân tộc thiểu số sẽ không phải chi trả khi khám chữa bệnh BHYT. Điều này thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc xóa bỏ các rào cản tài chính đối với người nghèo trong khám chữa bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam dự kiến thực hiện một loạt giải pháp như tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ gắn với những cơ chế chính sách khuyến khích để người dân chủ động, tự giác tham gia bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề cần giải quyết đồng thời, ví dụ việc tuân thủ tham gia BHYT trong khối chính quy cần được củng cố, giải quyết tình trạng “lựa chọn ngược” thông qua BHYT theo hộ gia đình, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tính hấp dẫn của BHYT… là những nhiệm vụ quan trọng mà Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực đang quan tâm giải quyết để hướng tới một mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân một cách hiệu quả. 

Ngoài việc bao phủ mở rộng, các nước trong khu vực cũng đang phấn đấu để có một hệ thống y tế hoạt động tốt với nguồn kinh phí đầy đủ, cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực y tế có chất lượng, hệ thống thông tin y tế phát triển, người dân được tiếp cận với thuốc thiết yếu, công nghệ phù hợp và công tác quản lý và quản trị hiệu quả.

Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ trao đổi kinh nghiệm và bài học về mở rộng bao phủ BHYT đối với khu vực lao động  phi chính thức giữa các nước ASEAN + 3. Mở rộng bao phủ BHYT trong khu vực phi chính thức luôn là một thách thức với các quốc gia, đặc biệt với nhiều nước ASEAN - nơi mà khối phi chính thức còn chiếm tỷ lệ lớn trong dân số. Việc  lựa chọn các giải pháp phù hợp, vượt qua thách thức để mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT cho người lao động và gia đình thuộc khu vực lao động phi chính thức cũng được các đại biểu quan tâm.

Hội nghị cũng kêu gọi sự hợp tác giữa các nước thành viên của ASEAN + 3 cùng chung tay thúc đẩy tiến trình bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong khu vực.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng khẳng định, đạt tới bao phủ BHYT toàn dân là nhiệm vụ trọng tâm của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương và cũng là trọng tâm của Chiến lược Tài chính y tế cho Châu Á - Thái Bình Dương (2010 - 2015), được Ủy ban khu vực thông qua năm 2009. 

Hiện, đã có 6 quốc gia ưu tiên trong khu vực: Campuchia, Trung Quốc, Cộng hòa DCND Lào, Mông Cổ, Philippin và Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng trong tăng cường tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản và tăng cường bảo vệ tài chính cho các đối tượng người nghèo và dễ bị tổn thương.

Cũng tại hội nghị, các diễn giả từ các nước ASEAN + 3 và các nước khác cùng trao đổi kinh nghiệm liên quan đến vấn đề này, những bài học thành công và thất bại của mỗi quốc gia trong tiến trình thực hiện bao phủ BHYT toàn dân, lựa chọn những giải pháp phù hợp nhất để mở rộng bao phủ BHYT đối với khu vực phi chính thức, đẩy nhanh lộ trình bao phủ BHYT toàn dân cho Việt Nam và ASEAN + 3 trong tương lai.

Phương Anh