Mộc bản Triều Nguyễn

Câu ca dao trên có lẽ dùng để ca tụng câu chuyện của quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng có công dẹp yên giặc cướp bóc của người đi đường và đào, nắn thẳng sông ở khu vực phá Tam Giang để thuyền buôn qua lại dễ dàng.

Sách Đại Nam Liệt Truyện tập 1, quyển 5 ghi rõ: “Đường rừng Nhà Hồ (Hồ Xá) thường có giặc cướp tụ họp, người đi đường sợ hãi. Chúa sai Đăng đi kinh lý đất ấy. Đăng tới đặt phép bắt cướp, lệnh cấm nghiêm minh. Từ đó bọn cướp im bặt. Bờ biển Tam Giang gọi là xứ Bàu Ngược (ở xã Vĩnh Xương và Kế Môn, thuộc huyện Quảng Điền), nước sâu sông cong, mùa thu đông thường có gió to sóng dữ thuyền đi thường bị đắm...”.

Phá Tam Giang hiện vẫn tồn tại thuộc địa phận huyện Quảng Điền và Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), thế nhưng truông nhà Hồ là địa danh vẫn còn mơ hồ với nhiều người dân và du khách.

leftcenterrightdel
 Truông nhà Hồ - rú Tứ Chính vẫn được người dân nơi đây gìn giữ qua nhiều thế hệ. Ảnh: Khánh Anh

Sử xưa còn lưu giữ, truông nhà Hồ là nơi giáp giới giữa 2 châu Địa Lý và Ma Linh (sau là Minh Linh) thuộc xứ Thuận Hóa (nay là huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình và huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Trải qua biến thiên lịch sử, một dải truông nhà Hồ xưa cũ còn sót lại được biết đến với khoảnh rừng nằm ngay bên Quốc lộ 1 đoạn qua thôn Tứ Chính, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Theo những điều còn khắc trên Mộc bản Triều Nguyễn, truông nhà Hồ còn biết đến với tên gọi là rừng Hồ Xá. Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 7, mặt khắc 18, rừng Hồ Xá được ghi như sau: “Rừng Hồ Xá: Cách 7 dặm về phía Bắc huyện Vĩnh Linh, rừng dài 3 dặm…”.

Trước nạn cướp, quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng được giao kinh lý đất này. Sự việc này được ghi lại trong Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 8, mặt khắc 29 rằng: “Nhâm Dần (1722), cho Nguyễn Khoa Đăng làm Nội tán (bấy giờ gọi là Diên Tường hầu), coi cả việc quân, định lại điều lệ… Chúa sai Khoa Đăng đi kinh lược nơi ấy. Khoa Đăng tìm cách bắt để trị, lệnh cấm nghiêm minh. Từ đó trộm cướp im tắt, đường sá không bị cản trở, trăm họ đều ca tụng”.

leftcenterrightdel
 Truông nhà Hồ gắn liền với những câu chuyên của Nội tán Nguyễn Khoa Đăng được lưu giữ tại các Mộc bản Triều Nguyễn. Ảnh: Khánh Anh

Câu chuyện Nội tán Nguyễn Khoa Đăng dẹp nạn cướp ở truông nhà Hồ có nhiều giai thoại khác nhau thể hiện tài trí của ông. Trong đó, Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam liệt truyện tiền biên, quyển 5, mặt khắc 19, 20 chép lại: “Lại, kẻ cướp ở truông nhà Hồ ăn cướp giấy của lái buôn, không truy được dấu vết gì. Người lái buôn đem việc ấy đến kiện. Đăng thong thả sức dân sở tại mỗi người khai họ tên quê quán, mỗi người một bản. Giá giấy do đó đắt lên, tên kẻ cướp đem giấy ra bán. Nhân thế, bắt được bọn cướp giấy. Đăng lại từng dò la biết được tên một bọn cướp, nhưng giả làm như không biết. Đầu làng có hòn đá to, nhân dân vẫn thờ làm thần. Đăng mật sai đào đất làm hầm ở dưới sân, rồi cho người ẩn trong hầm ấy. Sáng sớm, sai đem hòn đá lớn để lên trên hầm rồi tra hỏi hòn đá tên họ kẻ cướp. Dưới hòn đá có tiếng kêu khóc, rồi nói ra mồn một họ tên bọn cướp. Từ đó cứ thế mà bắt, chúng đều thú nhận khuất phục. Người ta cho việc ấy thực giỏi như thần”.

“Rú tàn, làng mạt”

Cũng từ đó, truông nhà Hồ trở nên yên ổn, cư dân cũng dần định cư mảnh đất này. Để tưởng nhớ công ơn của ông, dân gian lưu truyền câu ca dao đến tận bây giờ: “Thương em anh cũng muốn vô/Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang/Phá Tam Giang ngày rày đã cạn/Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm”.

Giờ này, truông nhà Hồ được biết đến chỉ còn lại những khoảnh rừng dọc Quốc lộ 1, rải rác từ xã Vĩnh Chấp (giáp ranh với địa phận tỉnh Quảng Bình) đến xã Vĩnh Tú, hoặc nằm về phía Đông xã Vĩnh Tú. Người dân nơi đây vẫn gọi những khoảnh rừng này là “rú” hay “rú cát”

Theo thống kê, riêng trên địa bàn xã Vĩnh Tú có 323ha rừng tự nhiên, thuộc loại rừng phòng hộ. Toàn bộ là loại rừng với đặc trưng các loại cây dẻ, trâm bầu sinh trưởng trên vùng đất cát. Trong đó, rừng tự nhiên rú Tứ Chính, rừng tự nhiên Đông Trường và những cụm rú cát nhỏ lẻ khác phân bố đều trên địa bàn xã, do các thôn sinh sống và sản xuất gần với rừng quản lý, bảo vệ.

leftcenterrightdel
 Với đặc trưng là loại rừng mọc trên cát (rú cát) chứa đựng tài nguyên đa dạng sinh học phong phú. Ảnh: Khánh Anh

Với những nghiên cứu bước đầu cho thấy, rú cát chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng sinh học khá phong phú, đa loài, nhiều tầng, với khoảng 100 loài thực vật (cây gỗ, cây bụi, dây leo) và trên 30 loài động vật.

Với diện tích 16ha trải dài song song với Quốc lộ 1, kéo dài từ thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh) ra đến thôn Trường Kỳ (xã Vĩnh Tú), rú Tứ Chính tồn tại hàng thế kỷ qua và vẫn mang trong mình nét đặc trưng của khu vực truông nhà Hồ.

Ông Dương Minh Thanh, Trưởng thôn Tứ Chính cho biết, thuở trước, rú Tứ Chính là nơi sinh sống của nhiều loại động vật như thỏ, nai, những cây cổ thụ 2, 3 người ôm. Trong những năm tháng chiến tranh, những cánh rừng này đã che chở cho bộ đội, gỗ để làm hầm, dựng nhà.

Không chỉ gắn liền với đời sống sinh hoạt, sản xuất và phong tục tập quán của các cộng đồng dân cư gần rừng, những rú cát này còn điều hòa khí hậu, lưu giữ nguồn nước cho cư dân trên vùng cát nóng bỏng và che chắn cát bay, mưa bão.

Người dân nơi đây vẫn lưu truyền câu nói: “Rú tàn, làng mạt” như lời nhắc nhở cho những thế hệ hôm nay và mai sau về ý thức bảo vệ, giữ gìn những cánh rừng này. Không chỉ thể, với một phần nguồn vốn hỗ trợ từ nhiều năm trước, thôn đã trồng mới thêm khoảng 5ha các loại cây bản địa, như trâm bầu, dẻ nhằm hồi sinh thêm những cánh rừng nơi này.

Khánh Anh