Vào công cụ tìm kiếm Google, gõ các từ khóa: “Yêu đồ lính”, “thời trang lính” sẽ thấy hàng loạt các hội, nhóm có tên, như: “Yêu đồ lính Việt Nam Cộng hòa”, “quần áo lính ngụy”, “trang phục lính ngụy”, “quần áo lính Mỹ”... cùng với nhiều hình ảnh người Việt Nam mặc quần áo lính Mỹ, ngụy, kèm theo các bình luận, tán dương, trao đổi, mua bán trang phục, các loại vật dụng của lính Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và đồ của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn.

Nhiều người còn tỏ ra tự hào, coi đó như là một thú chơi “đẳng cấp”, một số người còn dàn dựng, diễn lại cảnh hành quân, vác súng, đánh trận, bị thương… rồi quay video clip, cắt ghép hình ảnh minh họa cho các bài hát ca ngợi chế độ ngụy quân, chế độ Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975, thể hiện thái độ ngông nghênh, lời nói, cử chỉ lỗ mãng, dị hợm, phản cảm, phản văn hóa.

Sự việc sẽ bình thường, nếu như “yêu đồ lính” đó là “màu xanh áo lính”, gắn với hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, hình ảnh LLVT Nhân dân Việt Nam (công an, quân đội), những người lính chẳng tiếc máu xương, tuổi thanh xuân chiến đấu quên mình, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc và sự bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. Những hình ảnh đó đã đi vào tiềm thức, tâm tư, tình cảm, lắng đọng trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam và lan tỏa đến bạn bè quốc tế.

leftcenterrightdel

Xuất hiện các hội, nhóm thích mặc trang phục lính. Ảnh: cand.com.vn

Ở đây, những hội, nhóm “yêu đồ lính” không chỉ tồn tại trên không gian mạng mà còn xuất hiện ngoài xã hội. Thực tế tại một số địa phương xuất hiện tình trạng buôn bán trang phục cũ của lính Mỹ, lính ngụy, không ít người đã lợi dụng sự kiện, hoạt động văn hóa, du lịch, những nơi nhộn nhịp, có sự hiện diện của nhiều người, như: Đám cưới, lễ hội, họp mặt... để mang mặc trang phục lính ngụy, phô trương thanh thế.

Điển hình: Năm 2021, một số người diện nguyên “cây” quân phục có hình ảnh con diều hâu thêu nổi trên tay áo của sư đoàn lính dù Mỹ (biệt danh trước đây là “Thiên thần sát Cộng”) vào viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; tháng 3/2023, tại Lễ hội Áo dài Hoa cúc biển Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, một số người mặc đồ lính Việt Nam Cộng hoà đi xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô Zeep cũ diễu hành trên các đường phố, đưa các thí sinh đi tham quan, chụp ảnh; tháng 4/2023, Công an quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng phát hiện và lập biên bản tạm giữ 497 sản phẩm gồm: Quần, áo, giày dép, mũ, balo, vải dù, bi đông, bình rượu, đèn pin, áo giáp, mũ sắt... có mẫu mã, màu sắc, kiểu dáng, tem nhãn quân phục nước ngoài, không có hoá đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Đặc biệt mới đây, một ca sĩ khá nổi tiếng người miền Nam trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời” đã mặc bộ trang phục biểu diễn gắn “huy hiệu lạ” (giống với huy hiệu “Biệt công bội tinh” của chế độ ngụy Sài Gòn) khiến dư luận cho rằng rất phản cảm. Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh phải mời chuyên gia các lĩnh vực có liên quan cho ý kiến thẩm định để đề ra giải pháp xử lý phù hợp…

Điều này cho thấy, vấn đề về nhận thức, tư duy, sở thích của nhiều người đối với việc mang, mặc quân phục của lính Mỹ, chế độ cũ ở miền Nam rất lệch lạc, lệch chuẩn, đáng báo động.

Thời gian gần đây, với sự tiện ích và tương tác mạnh mẽ trên không gian mạng, những hình ảnh, trò lố này được một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội khuếch trương, lan truyền, trở thành chủ đề được bàn tán xôn xao trên mạng xã hội, gây bức xúc dư luận.

Đúng như một Facebooker đã viết: “Đó là những kẻ đã tàn sát, giết hại bao nhiêu đồng bào ta. Với tôi, kẻ nào mặc những bộ đồ đó đều là mặc những trang phục của kẻ thù”.

Đây là chuyện không mới, dư luận đã nhiều lần phẫn nộ, báo chí đã lên án hành vi phản cảm của một số hội, nhóm mặc đồ lính Mỹ, ngụy ra đường phố, tới những nơi công cộng, thậm chí có mặt ở một số sự kiện văn hoá, du lịch tại một số địa phương.

Trước sự biến tướng của những trò lố trên, chính quyền, cơ quan chức năng đã có biện pháp chấn chỉnh, tuyên truyền, khuyến cáo người dân không sử dụng trang phục lính Mỹ, ngụy tham gia sự kiện, hoạt động văn hóa, du lịch gây phản cảm, bức xúc trong dư luận.

Tuy nhiên, tình trạng sử dụng trang phục lính Mỹ, ngụy bề ngoài tưởng chừng chỉ là liên quan tới việc mang, mặc trang phục, là việc của thời trang, mode, hottrend, là “quyền cá nhân”. Nhưng thực tế, tình trạng này đang âm thầm tiếp tay, giúp sức cho các các thế lực thù địch, phản động phổ biến hình ảnh “chế độ cũ” trong đời sống và trên mạng xã hội; góp phần làm thay đổi màu sắc, lẫn lộn đen trắng, nhập nhèm phi nghĩa với chính nghĩa giữa quân xâm lược, bán nước với quân đội chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ độc lập, tự do cho đất nước, hoà bình hạnh phúc cho Nhân dân.

Việc sử dụng trang phục lính Mỹ, ngụy không chỉ đơn thuần là chuyện mặc, chuyện trang phục cá nhân, mà là câu chuyện của văn hoá ứng xử, đạo đức xã hội, ý thức dân tộc, là câu chuyện của sự tỉnh táo, nhìn nhận đúng đắn về quá khứ, về cuộc chiến đã im tiếng súng gần nửa thế kỷ qua ở Việt Nam. Câu chuyện “thời trang lính” - sản phẩm của văn hóa ngoại lai phương Tây - không bao giờ là một chuyện nhỏ.

Trong không khí tự hào, đoàn kết, cả nước vừa long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), hơn lúc nào hết, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, phản động ở trong và ngoài nước.

Kiên quyết không để những chiêu trò lố bịch làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn hóa và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Bùi Bình - Minh Thế