Phóng viên Báo Thanh tra đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Anh Tú, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông về những tác động của trí tuệ nhân tạo (AI), của chuyển đổi số đối với ngành Báo chí hiện nay.

+ Thưa ông, tác động tích cực của việc áp dụng AI trong tổ chức thực hiện các tác phẩm báo chí đã được ghi nhận khá rõ nét, như chất lượng các tác phẩm đã được nâng cao hơn, đa dạng hơn về hình thức trình bày, tốc độ cập nhật nhanh hơn, nhưng trên góc độ quản lý báo chí, theo ông, AI đã có những đóng góp cụ thể, nổi bật như thế nào?

- Mới đây, trả lời trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Quản lý Nhà nước thời gian qua đầu tư chưa nhiều để phát triển các công nghệ số để thực thi quản lý Nhà nước trên không gian mạng. Chúng ta phải coi công nghệ số như là lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng. 

Tôi cho rằng, việc áp dụng AI trong công tác quản lý báo chí có lẽ rõ ràng hơn tại các tòa soạn báo chí. AI có thể tổng hợp về nội dung báo chí trong một thời gian nhất định từ đó đưa ra những nhận định về xu hướng (trend), mặt tích cực, mặt tiêu cực của các dòng thông tin. Ngoài việc quản lý đầu vào tức là các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí còn “quản" được cả đầu ra tức là công chúng, xác định được nhận thức của công chúng trước, trong và sau khi tiếp nhận thông tin của báo chí. Cơ quan quản lý có thể “đo đếm” được bao nhiêu người đọc bài báo một bài báo cụ thể và tốc độ lan tỏa nhanh hay chậm.

Đối với các chính sách cũng vậy. Trước đây, ban hành chính sách là xong, nhưng hiện nay, với công cụ AI, cơ quan quản lý có thể kiểm nghiệm được về chính sách đó, phản hồi của người bị tác động của công chúng, dư luận. Từ đó cơ quan quản lý báo chí có cái nhìn đúng đắn, bao quát hơn để có được quyết định quản lý đúng đắn hơn.

+Bên cạnh những tác động tích cực, tất nhiên, sẽ có những tác động tiêu cực, theo ông, những tác động nào là điển hình và ông có những cảnh báo gì về những nguy cơ, thách thức đối với những nhà báo, người làm báo?

- Nguy cơ đầu tiên là lười. Nhiều nhà báo bây giờ là “nhà báo Google” chỉ chăm chăm lên mạng lấy ý tưởng, đề tài lấy luôn cả nội dung. Nhiều bài báo có được từ Google nay có được hoàn hảo hơn từ ChatGPT. Tất nhiên, đấy là tôi nói về những nhà báo có hiểu biết tương đối về công nghệ. Nhưng hiểu biết về công nghệ có thể “chết” vì công nghệ. Nhiều bài báo do AI sản sinh ra đọc rất hay, rất logic nhưng có nhiều thông tin sai. Fake news là vấn nạn lớn nếu phụ thuộc hoàn toàn vào AI trong việc sản xuất tin bài.

+ Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu, ngành Báo chí cũng đang tích cực tham gia vào xu thế này, xin ông cho biết, đâu là thách thức lớn nhất của ngành Báo chí trong xu thế số hóa hiện nay?

- Thách thức lớn nhất đối với ngành Báo chí hiện nay về chuyển đổi số không hẳn về kinh phí mà về nhận thức. Tôi đã gặp nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí. Rất nhiều tổng biên tập hiện tại vẫn chỉ tin vào bản in từng bài báo, bút phê màu đỏ vào từng bài. Đến gửi mail hay chuyển bài trên hệ thống đều là những việc chưa được triển khai tại một số cơ quan báo chí vì nghi ngại tính bảo mật hay độ chính xác. Nếu cứ như vậy, chúng ta vẫn chỉ có những cơ quan báo chí vận hành trên các ream giấy A4. Và mỗi bài báo phát hành lại thêm nhiều cây xanh bị chặt hạ.

Tôi nói vui vậy thôi để nêu về tình trạng “sợ” chuyển đổi số của lãnh đạo một số cơ quan báo chí. Còn một số lãnh đạo cơ quan báo chí khác thì “hùng hổ” hơn trong việc chuyển đổi số. Có tổng biên tập còn chỉ đạo cấp dưới thực hiện chuyển đổi số nhiều hơn trong tòa soạn bằng cách tăng số lượng bài Infographics hay E-magazine lên! Tôi không nghĩ là việc này sai nhưng tăng bài Infographics hay E-magazine không thể là biểu hiện của chuyển đổi số báo chí.

Như vậy, ngoài một số lãnh đạo cơ quan báo chí “máu me” với chuyển đổi số và bước đầu có “quả ngọt” từ chuyển đổi số báo chí thì chúng ta, phần lớn vẫn nặng ở hô hào, tuyên truyền… cho công tác chuyển đổi số ở các ngành khác.

leftcenterrightdel
 Ban Tổ chức và các học giả tham gia Hội thảo quốc tế về kinh tế báo chí

+ Sức ép cạnh tranh của các nền tảng mạng xã hội với các cơ quan báo chí cả về tốc độ truyền tin, loại hình đưa tin và nhất là sức hút quảng cáo, tài trợ... đang ngày càng khốc liệt. Theo ông, những cơ quan báo chí cũng như những nhà quản lý báo chí cần có những giải pháp gì để các cơ quan báo chí vừa đảm bảo là kênh thông tin quan trọng, là phương tiện, công cụ đắc lực giúp Đảng, Nhà nước trong việc lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước, nhưng vẫn đủ sức cạnh tranh được với các nền tảng mạng xã hội trong thời gian tới?

- Trong sức ép của nền tảng mạng xã hội thì báo chí bước đầu “thua” ở hai điểm: Đưa tin nhanh và độ phủ thông tin; quảng cáo. Theo báo cáo của cơ quan quản lý báo chí, nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến của các cơ quan báo chí chỉ còn lại khoảng 30%; 70% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok... Còn độ phủ thông tin, độ nhanh thông tin thì chúng ta không phải bàn nữa. Nếu có sự cố, tai nạn, cháy rừng thì hình ảnh và thông tin đầu tiên luôn đến từ mạng xã hội.

Làm sao để “cạnh tranh” là một câu hỏi khó mà tôi nghĩ khó có thể tường minh trong một số ý. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, Nhà nước cần đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc hỗ trợ báo chí. Vừa qua việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí còn chưa cao dù tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh “bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách. Nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật”. Báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi (ý kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng) nhưng hiện nay có tình trạng “bỏ lửng”. Các cơ quan báo chí kể cả cơ quan báo chí chủ lực đa nền tảng chưa nhận được sự đầu tư đúng mức, chưa có nhiều sự đặt hàng, giao nhiệm vụ tuyên truyền từ cơ quan chủ quản và các cơ quan có thẩm quyền khác.

Trong khi đó, báo chí vẫn hằng ngày, hằng giờ, hằng phút tuyên truyền cho Đảng, cho Nhà nước. Báo chí không đòi hỏi nhưng việc hỗ trợ báo chí là phải làm theo chỉ đạo của Thủ tướng và cũng không quá khó khăn để thực hiện.

Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ đã làm rõ những nội dung liên quan đến đặt hàng, giao nhiệm vụ. Các cơ quan chức năng cần vận dụng hợp lý những quy định này để có thể gỡ khó cho báo chí nhất là trong hoàn cảnh, quảng cáo sụt giảm, lượng báo bán ra đi xuống như hiện nay.

Về phía các cơ quan báo chí, không gì khác hơn là phải tự thay đổi. Thời kỳ công nghệ số, công chúng đã khác, hoàn cảnh đã khác. Báo chí không thể giữ mãi thói quen “bán cho công chúng những gì mình có”. Báo chí phải thay đổi không chỉ theo nhu cầu của công chúng mà cao hơn là điều chỉnh nhận thức của công chúng. Muốn vậy thì chúng ta phải có những nhà báo giỏi, bài báo hay. Để tạo ra kết quả như thế thì các tòa soạn cần liên tục đào tạo. Nhà báo hiện đại vừa có kiến thức, vừa giỏi chuyên môn lại am hiểu công nghệ. Tác phẩm báo chí không thể chỉ là những phản ánh thô kệch về hiện thực, những biểu hiện nhiều khi không bao quát về thực tế. Tác phẩm báo chí vừa là bức tranh hiện thực nhưng lại đưa cho công chúng những nhận thức mới, kiến thức mới nhằm kiến giải thậm chí hóa giải những khó khăn trong thực tế cuộc sống.

Báo chí không còn là thông tin mà phải là nội dung. Nếu báo chí hấp dẫn thì chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dễ “vào” quần chúng hơn. Báo chí góp phần đánh bật thông tin giả (fake news) trên mạng xã hội. Và khi công chúng tin báo chí thì những “hiện tượng mạng xã hội” không còn tỏa hào quang lấp lánh như thời gian qua.

Nhưng để đi đến đó, con đường vẫn còn dài mà như trên tôi đã nói không chỉ có cố gắng của những người làm báo, cơ quan báo chí. Các cơ quan quản lý cần đóng vai trò năng động hơn. “Quản” nên là tạo động lực, hướng đi cho báo chí hơn là “thắt lại”./.

+ Xin cảm ơn ông.

Hoàng Nam